Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu vào cuối ngày thứ Hai (1/11) đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất trước cuối thập kỷ này. Các quỹ công và tư sẽ hỗ trợ cho các cam kết này thông qua việc đầu tư 19 tỷ đô la để bảo vệ và phục hồi rừng.

COP26 climate talks
Cuộc đàm phán ở Glasgow về khí hậu COP26 (Ảnh chụp màn hình video)

Tuyên bố chung tại cuộc đàm phán ở Glasgow về khí hậu COP26 được hậu thuẫn bởi lãnh đạo các quốc gia bao gồm Brazil, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo, những quốc gia chiếm 85% diện tích rừng trên thế giới.

Theo một thông báo của văn phòng thủ tướng Anh đại diện cho các nhà lãnh đạo thế giới, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tại Glasgow về việc sử dụng rừng và đất sẽ bao gồm các khu rừng có diện tích hơn 13 triệu dặm vuông.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người chăm sóc nó.” Ông gọi đây là một thỏa thuận chưa từng có.

Ngày 2/11, hàng loạt sáng kiến bổ sung của cả chính phủ và tư nhân đã được đưa ra nhằm giúp đạt được mục tiêu đó, bao gồm hàng tỷ đô la cam kết để hỗ trợ cho những người dân bản địa bảo vệ rừng và nông nghiệp bền vững.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), một tổ chức phi lợi nhuận, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải carbon dioxit. Các khu rừng lấy khí thải ra khỏi bầu khí quyển và ngăn chúng làm khí hậu nóng lên.

Tuy nhiên, theo Global Forest Watch, một tổ chức của WRI chuyên theo dõi nạn phá rừng, vùng đệm khí hậu tự nhiên này đang biến mất nhanh chóng. Thế giới đã mất 258.000 km vuông rừng trong năm 2020. Diện tích rừng bị mất đó còn lớn hơn Vương quốc Anh.

Thỏa thuận hôm thứ Hai (1/11) mở rộng đáng kể cam kết tương tự của 40 quốc gia trong Tuyên bố New York năm 2014 về Rừng và đi xa hơn bao giờ hết về việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.

Theo thỏa thuận, 12 quốc gia bao gồm cả Anh đã cam kết cung cấp 8,75 tỷ bảng Anh (12 tỷ đô la) tài trợ công trong giai đoạn 2021 đến 2025 để giúp các nước đang phát triển, bao gồm các nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và giải quyết nạn cháy rừng.

Hơn 30 nhà đầu tư khu vực tư nhân bao gồm Aviva, Schroders, và AXA sẽ cung cấp thêm ít nhất 5,3 tỷ bảng Anh.

Các nhà đầu tư, đại diện quản lý 8,7 nghìn tỷ đô la tài sản, cũng cam kết ngừng đầu tư vào các hoạt động có liên quan đến phá rừng trước năm 2025.

Hôm thứ Ba (2/11), năm quốc gia, bao gồm Anh và Hoa Kỳ, cùng với một nhóm các tổ chức từ thiện toàn cầu cũng cam kết cung cấp 1,7 tỷ đô la tài chính để hỗ trợ người dân bản địa bảo tồn rừng và tăng cường quyền đất đai của họ.

Các nhà bảo vệ môi trường nhận định rằng cộng đồng bản địa là những người bảo vệ rừng tốt nhất, thường xuyên phải đối phó với sự xâm phạm bạo lực của lâm tặc và những kẻ chiếm đất.

Hơn 30 tổ chức tài chính đang quản lý hơn 8,7 nghìn tỷ đô là tài sản cũng cho biết, họ sẽ “nỗ lực hết sức” để loại bỏ nạn phá rừng liên quan đến gia súc và việc sản xuất dầu cọ, đậu nành và bột giấy trước năm 2025.

COP26 nhằm duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trên mức tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng, rừng và các giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ rất quan trọng để đạt được mục tiêu đó.

Theo dự án Biomass Carbon Monitor do công ty phân tích dữ liệu Kayrros và các viện nghiên cứu của Pháp hỗ trợ, rừng đã loại bỏ khoảng 760 triệu tấn carbon mỗi năm kể từ năm 2011, tương đương khoảng 8% lượng khí thải carbon dioxit từ nhiên liệu hóa thạch và xi măng.

Ông Oliver Phillips, một nhà sinh thái học của Đại học Leeds thuộc Vương quốc Anh cảnh báo: “Hiện thời, sinh quyển của chúng ta đang thực sự giúp giải cứu chúng ta, nhưng không gì đảm bảo rằng những quá trình đó sẽ tiếp tục.”

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: