Tổng thống Joe Biden đã rời Washington DC hôm Chủ Nhật (9/7) bắt đầu chuyến công du ba quốc gia châu Âu với trọng tâm là tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva. Ông Biden kiên trì thể hiện sự đoàn kết với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng đồng thời công khai bày tỏ chưa chấp nhận Kyiv trở thành thành viên NATO vào thời điểm này.

Điểm đến đầu tiên của ông Biden trong chuyến công du châu Âu lần này sẽ là London, Anh. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng sẽ hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing vào thứ Hai (10/7), sau đó sẽ di chuyển tới Lâu đài Windsor để tiếp kiến Vua Charles.

Ông Biden sẽ di chuyển tới thủ đô Vilnius, Litva vào tối 10/7 và dự họp thượng đỉnh NATO trong hai ngày thứ Ba (11/7) và thứ Tư (12/7).

Điểm dừng cuối cùng của ông Biden tại châu Âu sẽ là Helsinki, Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO. Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc gia Bắc Âu tại đây.

Ông Biden và các đồng minh trong hội nghị NATO sắp tới khả năng sẽ công khai bày tỏ sự ủng hộ Ukraine và cho Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận thức được những gì ông ta sẽ phải làm để trở thành thành viên NATO vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên CNN đánh giá trước về chuyến công du châu Âu, ông Biden đã kêu gọi sự thận trọng về mong muốn gia nhập NATO ngay lúc này của Ukraine. Ông nói rằng liên minh có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga vì hiệp định phòng thủ chung của NATO.

Tôi không nghĩ có sự thống nhất hoàn toàn trong NATO về có hay không đưa Ukraine vào gia đình NATO ngay bây giờ, vào ngay thời điểm này, trong lúc đang diễn ra một cuộc chiến tranh”, ông Biden nói. “Chẳng hạn, nếu bạn làm thế, sau đó, bạn biết đấy…Nếu cuộc chiến tranh này tiếp diễn, thì tất cả chúng ta đều ở trong cuộc chiến. Chúng ta ở trong cuộc chiến tranh với Nga, nếu để Ukraine gia nhập NATO ngay bây giờ”.

Ông Biden cho biết ông đã nói chuyện với ông Zelensky rất lâu về vấn đề này, nói rằng ông đã nói với tổng thống Ukraine là Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp an ninh và vũ khí. Ông đã ví tình hình này với mối quan hệ của Mỹ với Israel.

Tôi nghĩ chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý cho Ukraine có thể đáp ứng điều kiện để gia nhập NATO”, ông Biden nói, nhấn mạnh thêm rằng ông đã từ chối những yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuốc chiến tranh về cam kết không kết nạp Ukraine vào NATO bởi vì liên minh có “chính sách mở cửa”.

Tuy nhiên tôi nghĩ còn quá sớm để nói, để kêu gọi bỏ phiếu trong thời điểm này, bởi vì có những điều kiện khác cần được đáp ứng, trong đó bao gồm dân chủ hóa và một số của những vấn đề đó”, ông Biden nói.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky cũng đã đang tích cực vận động hành lang mạnh mẽ để Ukraine được gia nhập NATO. Ông lập luận rằng Ukraine đã đang trở thành giới tuyến phòng thủ cuối cùng của châu Âu chống lại sự gây hấn của Nga.

Tuần qua, ông Zelensky đã tới thăm Cộng hòa Czech, Slovakia và Bulgaria để mang lại thêm sự ủng hộ cho Ukraine trở thành thành viên của NATO trong bối cảnh sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.

Tại Prague, Cộng hòa Czech, ông Zelensky đã nhận được cam kết ủng hộ Ukraine gia nhập NATO “ngay khi chiến tranh kết thúc”. Tại Sofia, Bulgaria, ông cũng đã đảm bảo nhận được sự ủng hộ trở thành thành viên NATO “ngay khi điều kiện cho phép”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã tái khẳng định quan điểm của ông rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên.

Ông Zelensky cũng đã đảm bảo được cái gật đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc Ukraine gia nhập NATO.

Không nghi ngờ gì nữa rằng Ukraine xứng đáng là thành viên của NATO”, ông Erdogan nói trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky tại Istanbul vào sáng thứ Bảy (8/7, giờ địa phương).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang thay đổi giọng điệu của ông ta về NATO từ việc chỉ trích tổ chức này “chết não” đến bất ngờ kêu gọi xúc tiến kết nạp Ukraine vào khối liên minh quân sự này.

Vào tháng 12/2019, tôi đã đưa ra những lời lẽ gay gắt về NATO, nhấn mạnh đến thời kỳ mà những chia rẽ đã tồn tại trong trung tâm của tổ chức giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều cường quốc khác khi nói về ‘chết não’. Hôm nay tôi có thể nói rằng Vladimir Putin đã đang làm hồi sinh [NATO] bằng những cú sốc điện tồi tệ”, ông Macron nói tại diễn đàn GLOBSEC tại Slovakia hôm 31/5.

Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta có nên mở rộng hay không, hay thậm chí là chúng ta nên mở rộng khi nào – với tôi, đó là nhanh nhất có thể – mà là chúng ta nên làm việc đó như thế nào”, ông Macron tuyên bố.

Hải Đăng (T/h)