NATO đã thông qua kế hoạch quốc phòng mới tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva hôm thứ Ba (11/7). Kế hoạch dày 4.400 trang này nêu chi tiết về phòng thủ các vị trí quan trọng trong trường hợp “khẩn cấp” và xếp một cuộc tấn công có thể từ Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần chặn phê duyệt kế hoạch quốc phòng mới của NATO vì những từ ngữ liên quan đến các vị trí địa chính trị, chẳng hạn như Đảo Cyprus. Nhưng đến hội nghị thượng đỉnh lần này, Ankara đã chấp nhận bản kế hoạch chi tiết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi văn kiện dày 4.400 trang “là những kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Văn kiện tuyên bố hai “mối đọa dọa chính là Nga và chủ nghĩa khủng bố” và cáo buộc Nga đang là “mối đe dọa lớn nhất và hiện hữu nhất đối với an ninh của các nước đồng minh và đối với hòa bình và ổn định của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã kêu gọi đất nước của ông và các thành viên khác trong NATO “hãy tự trang bị vũ khí chống lại mối đe dọa đối với lãnh thổ của chúng ta”. Kế hoạch mới cũng liệt kê những khả năng mà các thành viên của khối, bao gồm cả thành viên mới Ba Lan và ứng viên đang nộp đơn gia nhập, Thụy Điển phải thể hiện.

Văn kiện được cho là đã tuyên bố nước Nga “bạo lực” và “xét lại” có thể tấn công lãnh thổ NATO. “Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta thực sự có thể một lần nữa phải đối mặt với tình huống Điều 5, trong đó một phần lãnh thổ NATO sẽ bị tấn công trực tiếp”, một quan chức của NATO nói với hãng tin DPA của Đức.

Để ứng phó với “mối đe dọa từ Nga”, kế hoạch quốc phòng của NATO sẽ gia tăng trên diện rộng Lực lượng Phản ứng (NRF) từ 40.000 quân hiện nay lên hơn 300.000 quân, gồm cả các đơn vị mặt đất, trên biển và trên không, cũng như Lực lượng Đặc biệt triển khai nhanh.

NATO cũng sẽ tăng đáng kể sản xuất và lưu kho vũ khí. Chiến lược mới này bao gồm “Kế hoạch Hành động Sản xuất Quốc phòng để tăng tốc mua sắm chung, đẩy mạnh năng suất sản xuất, và thúc đẩy liên kết hoạt động của các nước đồng minh”, theo tuyên bố chung của NATO.

Theo tờ Bild, NATO sẽ tìm cách tăng cường “lực lượng hạng nặng” được thiết giáp và triển khai các hệ thống pháo và tên lửa tầm xa, cũng như các hệ thống phòng không.

NATO cũng sẽ tăng cường cái mà họ gọi là “các biện pháp răn đe” bằng việc điều động thêm quân tới khu vực Baltic và Đông Âu. Các nhóm chiến đấu tập hợp 1.000 lính sẽ hỗ trợ quân đội quốc gia của các nước Baltic và Ba Lan.

Anh sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ Estonia, Canada hỗ trợ Latvia, Đức hỗ trợ Litva, và Mỹ hỗ trợ Ba Lan. Berlin cũng sẽ đồn trú một sư đoàn 4.000 lính tại Litva.

Các biên pháp khác trong đó có củng cố bảo vệ các đường ống ngầm dưới biển. Để thực hiện được mục tiêu này, NATO sẽ thiết lập căn cứ Chỉ huy Hải quân tại Northwood, Anh Quốc. Đây là một trung tâm trinh sát mới.

Đức được cho là cũng sẽ đóng vai trò là một trung tâm tiếp vận hậu cần trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột lớn. NATO cũng sẽ xem xét thành lập Bộ Chỉ huy Mặt đất thứ hai bên cạnh Bộ Chỉ huy Mặt đất hiện tại đang có ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ Bild, Bộ Chỉ huy Mặt đất thứ hai của NATO nếu xây dựng thì khả năng sẽ được đặt ở Wiesbaden, Đức vì nơi đây hiện đã có căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Cũng theo kế hoạch quốc phòng mới, trong trường hợp bị xâm lược, Tổng tư lệnh Tối cao của NATO tại châu Âu sẽ được phép đưa ra nhiều quyết định hơn mà không cần tham vấn trước các cơ quan của NATO. Nhờ vậy, Liên minh sẽ có thể phản ứng nhanh hơn với những tình huống bị đe dọa.

Nga, đối tượng bị NATO liệt là mối đe dọa hàng đầu, đã nhiều lần tuyên bố rằng họ nhìn nhận việc NATO tăng cường quân tại các vùng biên giới giáp Nga cũng như sự mở rộng của liên minh quân sự này về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga. Moscow cũng nêu tên việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO là một trong những lý do chính để họ triển khai “hoạt động quân sự đặc biệt” bên trong lãnh thổ Ukraine từ cuối tháng 2/2022.