Chủ tịch Quốc hội Ukraine lập luận rằng người gốc Nga không biết “tỏ ra tôn trọng” do đó sẽ không có quyền. Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ban lệnh trừng phạt nhắm vào 108 cá nhân và 37 nhóm người Ukraine gốc Nga.

230704 zel 02
Ông Zelensky trả lời phỏng vấn CNN. (Ảnh chụp từ video)

Theo Reuters báo cáo, 37 nhóm và 108 người Ukraine gốc Nga —trong đó có cả Cựu Thủ tướng và Cựu Bộ trưởng Giáo dục— đã bị đưa vào danh sách bị trừng phạt của nước này, vì họ phải chịu cái mà chính quyền Zelensky gọi là trách nhiệm về những gì mà người Nga đã gây ra cho Ukraine.

“Chúng tôi gia tăng áp lực của chính phủ lên họ, và mỗi từng người của họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm,” Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố trong video hàng tối của mình hôm Thứ Bảy tuần trước, giải thích cho sắc lệnh trừng phạt mà ông vừa ký và ban hành.

Ông Zelensky không đưa ra bất kỳ tội lỗi cụ thể của bất kỳ ai trong 108 cá nhân và 37 nhóm người Ukraine gốc Nga này, như Reuters chỉ rõ.

Sắc lệnh trừng phạt kéo dài 10 năm đối với cá nhân và 5 năm đối với nhóm phi chính phủ, trong đó có một nhóm mang tên tiếng Anh “Russian Children’s Foundation” (Quỹ Trẻ em Nga).

Ông Zelensky liên hệ những người này với hành vi mà ông nói là tội ác “bắt cóc và đưa trẻ em Ukraine ra khỏi các vùng đất bị chiếm đóng.”

Nga từ đầu vẫn tuyên bố hoạt động đưa trẻ em mồ côi ra khỏi vùng giao tranh là hoạt động nhân đạo, và Nga thực hiện điều đó một cách công khai. Nga tuyên bố đưa những đứa trẻ này cho các gia đình nhận nuôi, và Nga trả lại nếu có yêu cầu của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Phía Ukraine gọi đó là tội ác chiến tranh. Tòa án ICC ở La Haye đã vì vấn đề này mà phát trát đòi bắt người quy án nhằm vào ông Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng trợ Ủy viên Quyền Trẻ em của ông, bà Maria Lvova-Belova. Nga bác bỏ các cáo buộc của Ukraine và ICC.

Kiev tuyên bố Nga đã bắt cóc 20.000 trẻ em của họ. Gần đây, một nghiên cứu của Yale HRL (tổ chức nhận tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ) tuyên bố ít nhất 2.400 trẻ em đã bị Nga chuyển giao sang Belarus, và ở đó trẻ nhỏ bị cải tạo, và thậm chí được huấn luyện quân sự.

Như Reuters chỉ ra, trong số những người bị lọt vào sắc lệnh lần này, có những người đã nằm trong các trừng phạt khác tương tự rồi, và có những người có tư cách công dân Nga bên cạnh tư cách công dân Ukraine.

Dmytro Tabachnyk, Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học, đã từng bị tước đoạt tư cách công dân Ukraine vào tháng 2, nay cũng nằm trong danh sách trừng phạt của sắc lệnh lần này.

Mykola Azarov, Cựu Thủ tướng Ukraine, cũng nằm trong danh sách. Ông vốn đã bị phong tỏa tài sản cùng dịp với Cựu Tổng thống được cho là thân Nga Viktor Yanukovych. Hai người này đã tháo chạy khỏi Ukraine vào năm 2014 khi sự kiện đảo chính (phương Tây gọi là phong trào dân chủ) Euromaidan lúc đó trở nên căng thẳng, với hơn trăm người chết ở quảng trường trung ương Kiev.

Trong danh sách lần này, còn có Sergei Aksyonov hiện là người đứng đầu Crimea, và Leonid Pasechnik đứng đầu Luhansk, với lý do dường như vì họ là người do Nga chỉ định.

Một số những người khác, dường như bị trừng phạt là do có liên quan đến hoạt động mà Ukraine gọi là bắt cóc trẻ em ở vùng bị Nga chiếm đóng. Ví như Sofia Lvova-Belova, em gái của Maria Lvova-Belova. Cô Sofia hiện là giám đốc điều hành của một tổ chức mang tên Kvartal Lui.

Trong các diễn biến mới nhất cũng của chính sách chống Nga (bài Nga) nhất quán nhiều năm nay của chính quyền Kiev, ông Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk đã tuyên bố trên chương trình TV quốc gia vào hôm Thứ Hai, theo RT đưa tin.

“Không tồn tại sắc tộc thiểu số Nga ở Ukraine hiện nay, và không thể nào tồn tại,” ông Stefanchuk nói, và giải thích rằng quyền của các nhóm sắc tộc chỉ dành cho những ai tuân theo cái mà ông gọi là “đạo lý tôn trọng song phương”.

“Nếu người dân không tỏ ra sự tôn trọng và có hành vi tấn công người Ukraine, thì quyền của họ sẽ bị tước đoạt,” ông Stefanchuk tuyên bố, ám chỉ đến chiến tranh đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.

Như RT chỉ ra, ngược đãi người Ukraine gốc Nga là một trong những lý do chủ chốt của việc Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Cũng theo RT chỉ ra, không chỉ sắc tộc Nga là đối tượng bị chính quyền Kiev phân biệt đối xử, mà các nhóm sắc tộc khác cũng gặp vấn đề. Cả Hungary và Rumani đều từng lên tiếng về vấn đề này.

Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, đã gọi tuyên bố này của ông Stefanchuk là “phát xít mới của thế kỷ 21”, ám chỉ đến chủ nghĩa phát xít kỳ thị chủng tộc từng diễn ra ở thế kỷ trước.

Cũng trong phát biểu hôm Thứ Hai, ông Stefanchuk nói rằng vấn đề kỳ thị chủng tộc này là điều mà ông có được sự tán đồng của cả Ủy ban EU ở Brussels và Hội đồng Châu Âu ở Venice.

“Chúng tôi đã đạt được sự thấu hiểu hoàn toàn,” ông nói.

Tính đến nay, RT báo cáo, cả Brussels và Venice đều chưa có bất kỳ bình luận nào về lời tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk.

Hồi đầu năm nay, Liên minh Châu Âu EU đã nhắc nhở chính quyền Kiev rằng nếu Ukraine muốn gia nhập EU, thì phải tiến hành cải cách về chính sách dân tộc thiểu số.

Trong các yêu cầu về cải cách này, có đề cập đến việc phải cho phép ngôn ngữ của các dân tộc khác trong giảng dạy ở các trường học, phải có phiên dịch sang ngôn ngữ dân tộc khác trong các sự kiện quốc gia quan trọng, phải xóa bỏ cái gọi là hạn ngạch chỉ cho phép 10% sử dụng ngôn ngữ dân tộc khác trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Hồi tháng 6, Olga Stefanishina, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách về gia nhập EU và Euro-Atlantic, đã có lời tuyên bố tương tự ông Stefanchuk. Bà nói “khái niệm dân tộc thiểu số Nga là không tồn tại ở Ukraine.”

Phía Nga, chính quyền Moscow nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về việc người Ukraine gốc Nga, và cộng đồng những người nói tiếng Nga đang bị ngược đãi ở Ukraine. Đặc biệt là sau vụ đảo chính 2014, khi chính quyền mới ở Kiev là chính quyền chống Nga, và sau những giao tranh nội chiến giữa Kiev và vùng phía Đông của quốc gia Ukraine, vi phạm hòa ước Minsk 1 & 2.

Nhật Tân