Ngày 17/8, Hoa Kỳ chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Liên Hợp Quốc vì đã phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo một cách bất hợp pháp thông qua “sự đàn áp tàn ác” và chế độ độc tài toàn trị.

Embed from Getty Images

“Chúng ta không thể có hòa bình nếu không có nhân quyền,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, nói với Hội đồng Bảo an, nơi đã họp công khai lần đầu tiên kể từ năm 2017 để thảo luận về các vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên.

Bà nhấn mạnh: “Sự kiểm soát toàn trị, chính sách đàn áp của Kim Jong Un đối với xã hội – và sự phủ nhận rộng rãi, có hệ thống đối với nhân quyền và các quyền tự do cơ bản – khiến cho chế độ này có thể sử dụng các nguồn lực công một cách tối đa để phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và WMD bất hợp pháp mà không bị công chúng phản đối.”

Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc lạm dụng và đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt gây ra tình trạng nhân đạo nghiêm trọng. Kể từ năm 2006, nước này đã chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về tên lửa đạn đạo và các chương trình hạt nhân, nhưng có những trường hợp viện trợ được miễn trừ.

Trung Quốc tuyên bố phản đối cuộc họp công khai của hội đồng gồm 15 thành viên về vấn đề đàn áp nhân quyền ở Triều Tiên, nhưng lần gần đây nhất hôm 17/8, Bắc Kinh đã không cố để ngăn chặn phiên họp này. Trung Quốc liên tục nỗ lực ngăn chặn các cuộc họp công khai về nhân quyền Triều Tiên trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2017, và đều thất bại.

“Hội đồng nên đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc nối lại đàm phán và giảm bớt căng thẳng,” Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Geng Shuang phát biểu tại cuộc họp do Hoa Kỳ, Albania và Nhật Bản đề xướng.

“Việc thúc đẩy hội đồng xem xét tình hình nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên sẽ không những không giúp xoa dịu mà còn khiến tình hình leo thang. Đó là hành vi vô trách nhiệm, thiếu tính xây dựng và lạm dụng quyền lực của hội đồng,” ông lưu ý thêm.

Trước đó, ngày 14/8, ông Kim Jong Un kêu gọi tăng cường sản xuất tên lửa để sẵn sàng cho chiến tranh. Đến ngày 17/8, một nhà lập pháp Hàn Quốc lại cảnh báo Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để phản đối hội nghị thượng đỉnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hợp Quốc Volker Turk cho biết,  Triều Tiên có lịch sử  vi phạm nhân quyền kinh niên kéo dài nhiều thập kỷ và nhiều vụ  việc “trực tiếp hỗ trợ việc quân sự hóa ngày càng tăng của CHDCND Triều Tiên.”

Ông nhắc đến vấn nạn lao động cưỡng bức phổ biến được sử dụng để “hỗ trợ bộ máy quân sự của Nhà nước và khả năng chế tạo vũ khí”.

Đáng chú ý, ngày 16/8, Triều Tiên đã chỉ trích nhân quyền ở Hoa Kỳ, nói rằng binh sĩ Hoa Kỳ Travis King đã phải tìm nơi ẩn náu ở Bắc Triều Tiên để tránh khỏi nạn phân biệt chủng tộc và bị lạm dụng ở nhà cũng như trong quân đội Hoa Kỳ. 

Nhật Minh (Theo Reuters)