Hải quân Mỹ đang cải tiến hệ thống phát hiện tàu ngầm ở Thái Bình Dương (xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô cũ), ngoài ra đang triển khai đội tàu không người lái dưới nước để giám sát tàu ngầm Trung Quốc. Ngày 18/9, hai tàu mặt nước không người lái (USV) của Hải quân Mỹ đã đến căn cứ Yokosuka – nơi Hạm đội 7 của Mỹ đóng quân ở Nhật Bản.

p3392291a597635214
Tàu không người lái Sea Hunter của Hải quân Mỹ đã đến Trân Châu Cảng – Hawaii ngày 29/6/2022. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đẩy mạnh công nghệ mới: Tàu mặt nước không người lái

Hoạt động ngày 18/9 là lần đầu tiên tàu mặt nước không người lái của Hải quân Mỹ đi qua Thái Bình Dương, cũng là lần đầu tiên tàu này triển khai tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Hoạt động này được biết đến như là nhằm kiểm tra độ bền của tàu và chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc.

Theo WSJ, hai tàu mặt nước không người lái bảo mật cao của Hải quân Mỹ – USV Ranger và USV Mariner – đóng quân chính tại Căn cứ Hải quân Quận Ventura, California, (Naval Base Ventura County, Calif) đã đến Yokosuka – Nhật Bản sau vài tuần hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chỉ huy Jeremiah Daley của Sư đoàn tàu mặt nước không người lái số 1 của Hải quân Mỹ cho biết, trong tháng qua các tàu này đã tham gia cuộc tập trận quy mô lớn năm 2023, hoạt động được phối hợp cùng Tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm tấn công của nó, để Hải quân Mỹ có thể đánh giá một công nghệ mới gọi là tàu mặt nước không người lái.

Tờ Stars and Stripes của Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời chỉ huy Daley: “Trong các hoạt động này, chúng tôi tìm cách thu thập những hiểu biết mới về các công nghệ mới nổi này, qua đó cung cấp cho lãnh đạo của chúng tôi những cơ hội học tập cần thiết về các chương trình không người lái và lộ trình phát triển các nguyên mẫu khác, cuối cùng là tích hợp đầy đủ vào hoạt động của đội tàu”.

Trên boong tàu mặt nước không người lái Mariner dài 190 feet (khoảng 58 mét), chỉ huy Daley cho biết tàu mặt nước không người lái tự hành có thể thay thế các tàu khu trục trong nhóm tấn công trên biển và theo dõi các mục tiêu của đối phương.

Ông nói: “Ví dụ, một tàu khu trục và hai tàu mặt nước không người lái có thể thay thế cho ba tàu khu trục. Tàu mặt nước không người lái có thể mang tới sức mạnh vượt trội”.

Tuy USV Ranger hiện không mang theo tên lửa, nhưng tàu mặt nước không người lái có thể mang và phóng tên lửa trong các mô-đun gắn ở phía sau tấm boong.

Theo nguồn tin từ WSJ, Trung Quốc những năm gần đây đã vượt qua Mỹ về số lượng tàu hải quân và đã cử hải quân tới Thái Bình Dương để tập trận thường xuyên hơn. Gần đây, một nhóm tấn công chung lớn bất thường của Trung Quốc, bao gồm một tàu sân bay và khoảng 20 tàu chiến, đã tổ chức cuộc tập trận giữa Đài Loan và Guam.

Lầu Năm Góc cho biết hồi đầu tháng này, rằng phần lớn là do sự thúc đẩy của Trung Quốc khiến Mỹ có kế hoạch trong hai năm tới đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và mạng lưới các hệ thống tự hành, nhằm phát triển các hệ thống tự hành trong quân đội Mỹ.

Phát biểu tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Hicks cho biết, Lầu Năm Góc có kế hoạch trong vòng chưa đầy hai năm sẽ triển khai được hàng ngàn hệ thống không người lái tự động, có thể sử dụng được trong nhiều lĩnh vực, sử dụng một số lượng lớn tàu thuyền và máy bay không người lái để khắc phục ưu thế lớn của Trung Quốc về nhân lực, tàu, máy bay và tên lửa.

Ranger và 5 tàu ​​không người lái khác của Mỹ là một phần của chương trình “Hạm đội ma Overlord” (Ghost Fleet Overlord). Dự án bắt đầu vào năm 2018 này nhằm mục đích tích hợp các hoạt động tự hành vào hải quân. Những người ủng hộ kế hoạch cho biết, những chiếc tàu như vậy có chi phí tương đối thấp, có thể hoạt động trong tầm hỏa lực của kẻ thù, qua đó để các tàu có người lái ở xa khu vực chiến đấu hơn.

Thông tin cũng chỉ ra rằng tên lửa, tàu và máy bay của Trung Quốc gây ra rủi ro ngày càng tăng cho Mỹ và các đồng minh ở vùng biển xung quanh Trung Quốc. Quân đội Mỹ đang nỗ lực phát triển một chiến lược mới nhằm đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở Tây Thái Bình Dương, chẳng hạn như một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Hiện nay, Hải quân Mỹ vẫn đang thử nghiệm nhiều khả năng khác nhau của tàu mặt nước không người lái, nhưng tiềm năng của tàu mặt nước không người lái đã được chứng minh ở Ukraine cho thấy tỏ ra hiệu quả trước lực lượng hải quân hùng mạnh hơn của Nga.

Trong dự án mang tên Lực lượng đặc nhiệm 59 (Task Force 59), Mỹ đã phối hợp với các nước như Saudi Arabia và Israel triển khai các tàu trinh sát không người lái cỡ nhỏ tới Trung Đông để giám sát hải quân Iran.

Nhưng 6 tàu mặt nước không người lái của chương trình “Hạm đội ma Overlord” này lớn hơn, và có cảm biến phức tạp hơn so với các tàu mặt nước không người lái đơn giản được sử dụng ở Trung Đông. Tuy nhiên, những tàu mặt nước không người lái này thường vẫn có sĩ quan hải quân trên tàu. Trên đường tới Nhật Bản, tàu Ranger có 16 sĩ quan hải quân trên tàu để theo dõi tàu và thu thập dữ liệu.

Trong cuộc thử nghiệm năm 2021, Ranger đã bắn tên lửa đánh chặn SM-6, tên lửa này có thể được sử dụng để tiêu diệt tên lửa đạn đạo và hành trình của đối phương hoặc tấn công các tàu khác.

Đầu tư lớn nâng cấp chương trình tàu ngầm giám sát

Ngoài ra, Hải quân Mỹ đang đầu tư hàng tỷ đô la để cải tiến hệ thống phát hiện tàu ngầm ở Thái Bình Dương (xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh), đồng thời có kế hoạch triển khai một đội tàu không người lái dưới nước để giám sát các tàu ngầm Trung Quốc.

Theo Fox News, hệ thống giám sát tích hợp dưới biển của Mỹ ban đầu được xây dựng vào những năm 1950 như một chương trình tuyệt mật để chống lại hải quân Nga trong Chiến tranh Lạnh. Ba nguồn tin quen thuộc với công việc này nói với Reuters, rằng Mỹ đang tăng cường hơn nữa hiện đại hóa mê cung cáp giám sát hạm đội hàng hải và cảm biến dưới đáy biển.

Mục đích của công việc này là làm cho cáp giám sát nhỏ hơn trong khi bao phủ một khu vực lớn hơn. Kế hoạch này cũng bao gồm việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xem xét các điểm bất thường và dữ liệu giám sát từ các tàu nước ngoài; phần cứng hiện đại hơn bao gồm một đội máy bay không người lái tuần tra trên Thái Bình Dương để tìm kiếm dấu hiệu của tàu ngầm. Các tàu cũng được trang bị cảm biến di động để hoạt động như vệ tinh dưới biển, được triển khai ở bất cứ nơi nào cần thiết. Mỹ cũng bán công nghệ tương tự cho Úc.

Reuters đã phỏng vấn hơn chục nhân viên Hải quân hoặc nhà thầu và xem xét hàng trăm hợp đồng của Hải quân Mỹ để tìm hiểu về chương trình tối mật, phát hiện ra 3 năm qua Hải quân Mỹ đã làm việc với các tập đoàn quốc phòng khổng lồ và các công ty mới nghiên cứu về máy bay không người lái hàng hải và trí tuệ nhân tạo, ký ít nhất 30 loạt giao dịch liên quan đến chương trình giám sát.

Người phát ngôn của Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết trong một tuyên bố với Reuters: “Đi cùng xu thế tăng cường phát triển công nghệ dưới biển và cập nhật các ưu tiên quốc phòng, các hệ thống này đã và sẽ tăng trưởng và được tái cấp vốn”.

Fox News trước đó đưa tin, vào đầu tháng 8 Trung Quốc và Nga đã tiến hành hoạt động hải quân chung gần bờ biển phía tây nam Alaska với sự tham gia của tổng cộng 11 tàu. Hải quân Mỹ đã phản ứng mạnh trước diễn biến này, cuối cùng đã huy động 4 tàu khu trục để buộc các tàu Trung Quốc và Nga rời khỏi vùng biển của Mỹ, đồng thời điều động máy bay P-8 Poseidon để theo dõi các tàu Trung Quốc và Nga ra khỏi bờ biển Alaska.

Theo Đài VOA