Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Ba (19/12) đã chính thức kích hoạt hệ thống chia sẻ dữ liệu thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Động thái này được tiến hành vào thời điểm ba nước đồng minh tìm cách tăng cường hợp tác an ninh chống lại chế độ Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân.

GettyImages 1256659377
Ngày 21/5/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đứng giữa trong hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/ qua Getty Images)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc loan báo thông tin trên một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 lần thứ ba. Đây được cho là vũ khí lớn nhất trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay: “Khả năng hoạt động đầy đủ của hệ thống chia sẻ thời gian thực về cảnh báo tên lửa Triều Tiên đã được chứng thực qua một đợt đánh giá trước gần đây và hiện tại đã hoạt động bình thường”.

Ba quốc gia đã thiết lập hệ thống này để đảm bảo an toàn cho công dân của mình… thông qua việc phát hiện và đánh giá những tên lửa được phóng từ Triều Tiên theo thời gian thực”, Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói thêm.

Hệ thống chia sẻ dữ liệu này là một phần trong một thỏa thuận rộng hơn giữa các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật, Hàn đã được ký kết vào tháng trước. Thỏa thuận ba bên đó cũng bao gồm việc thiết lập các kế hoạch nhiều năm cho các cuộc tập trận chung.

Thỏa thuận của ba bộ quốc phòng Mỹ, Nhật, Hàn vào tháng trước là bước thực thi các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao ba nước đồng minh đã ký kết tại hội nghị thượng đỉnh ba bên do Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức tại Trại David hồi tháng Tám.

Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ phóng ICBM Hwasong-18 sáng thứ Hai (18/12). Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim nói rằng vụ phóng ICBM mới nhất đã thể hiện những lựa chọn mà Bình Nhưỡng sẽ có “khi Washington đưa ra quyết định sai lầm”.

Ông Kim nói vụ phóng này đã gửi “tín hiệu rõ ràng tới các thế lực thù địch” và “cho thấy một số nhiệm vụ quan trọng mới cho sự phát triển của lực lượng chiến lược hạt nhân của DPRK”. DPRK là tên viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

KCNA dẫn lời ông Kim nói thêm rằng: “Vụ phóng thử thành công là biểu hiện thực tế của điều kiện thực và tính chất đáng tin cậy của các khả năng tấn công khủng khiếp và khả năng ngăn chặn chiến tranh hạt nhân tuyệt đối mà lực lượng vũ trang DPRK sở hữu”.

Sau một giai đoạn bớt căng thẳng Mỹ-Triều trong nửa sau của Chính quyền Trump, Triều Tiên đã tăng tốc chương trình thử tên lửa trong Chính quyền Biden. Bình Nhưỡng đã thực hiện hơn 100 vụ phóng thử tên lửa kể từ đầu năm 2022.

Vụ thử Hwasong-18 sáng 18/12 là lần thứ 5 trong năm nay Triều Tiên tiến hành thử ICBM. Chế độ Bình Nhưỡng đã phóng các tên lửa ICBM Hwasong-15 và Hwasong-17 vào tháng Hai và tháng Ba. Nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân này cũng đã phóng thử tên lửa Hawsong-18 sử dụng nhiên liệu rắn vào tháng Tư và đã thử tiếp tên lửa này lần nữa vào tháng Bảy.

Trước sự gia tăng kỷ lục các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm 2023 này, Hàn Quốc và Mỹ đã tăng cường hợp tác quốc phòng.

Chính phủ cánh hữu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đã nỗ lực toàn diện cả trong nước và phối hợp với đồng minh Mỹ để cải thiện mối quan hệ vốn có lịch sử căng thẳng với Nhật Bản nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Cuộc họp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David hồi tháng Tám đánh dấu lần đầu tiên nguyên thủ ba nước gặp mặt trong một hội nghị thượng đỉnh độc lập, thay vì các cuộc gặp bên lề của một sự kiện lớn hơn như trước đây.

Hải Đăng (T/h)