Ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại một thị trấn ở phía tây bắc Myanmar sau khi xe tải của quân đội đến để dập tắt cuộc biểu tình, truyền thông Myanmar đưa tin hôm thứ Năm (8/4).

Embed from Getty Images

Những người biểu tình trang bị súng tự chế, dao và súng phun lửa đã chống trả lại quân đội ở thị trấn Taze, các hãng tin Myanmar Now và Irrawaddy cho biết.

Cuộc giao tranh vào sáng thứ Năm đã khiến ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương, các hãng tin tường thuật. Không có bất kỳ thông tin nào về thương vong ở phía quân đội.

Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), tính đến ngày 8/4, đã có hơn 600 dân thường bị các lực lượng an ninh giết hại để từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Thị trấn Taze nằm gần thị trấn Kale, nơi ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tương tự giữa quân đội và người biểu tình hôm thứ Tư (7/4), theo các phương tiện truyền thông và các nhân chứng.

Việc người biểu tình bắt đầu dùng vũ khí chống trả đã báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống lại chính quyền quân sự. Trước đó, phe đối lập chủ yếu sử dụng các biện pháp phản kháng ôn hòa bất chấp các hành động giết người của lực lượng an ninh.

Một cựu Bộ trưởng thuộc Ủy ban Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), một nhóm các nhà lập pháp đại diện cho chính phủ dân sự bị lật đổ, cho biết: “Mọi người sẽ cố gắng bảo vệ mạng sống của chính họ và quyền của họ.”

Chính quyền quân sự hôm thứ Năm cũng đã bắt giữ Paing Takhon, một người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng 24 tuổi, người đã lên tiếng chống lại cuộc đảo chính và cam kết ủng hộ bà Aung San Suu Kyi.

Chị gái của anh Takhon cho biết 8 xe tải và khoảng 50 binh sĩ đã đến đưa anh đi từ nhà của cha mẹ họ ở Yangon. Cô không biết anh đã bị đưa đi đâu.

AAPP cho biết hơn 2.800 người đang bị giam giữ vì phản đối chính quyền.

Một thành viên của CRPH sẽ tham dự cuộc họp không chính thức trực tuyến với 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York hôm thứ Sáu (9/4). Đây sẽ là cuộc thảo luận công khai đầu tiên về Myanmar của các thành viên Hội đồng kể từ cuộc đảo chính. Trước đó, chỉ có các phiên họp kín.

Hội đồng Bảo an đã lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng không xác định việc quân đội Myanmar làm là “một cuộc đảo chính,” cũng như không đưa ra bất kỳ hành động trừng phạt nào do sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính và một số thành viên gia đình của họ, cũng như hai tập đoàn do quân đội kiểm soát.

Hôm 8/4, Mỹ đã thêm doanh nghiệp đá quý Myanmar Gems Enterprise thuộc sở hữu nhà nước vào danh sách trừng phạt của mình.

Động thái này sẽ cấm người Mỹ làm ăn với doanh nghiệp này. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ hạn chế các đầu ra kinh tế của chính quyền.

Myanmar là nguồn cung cấp ngọc bích chính của thế giới, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chủ yếu của hồng ngọc và các loại đá quý hiếm khác.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục gia tăng các hạn chế đối với nguồn thu của chế độ cho đến khi nó chấm dứt bạo lực, thả tất cả những người bị giam giữ vô cớ, dỡ bỏ thiết quân luật và tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, dỡ bỏ các hạn chế viễn thông và khôi phục Myanmar về con đường dân chủ”.

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: