Về cách các nhà hoạch định chính sách Mỹ suy diễn rằng Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Đại sứ Anatoly Antonov của Nga ở Washington hôm Thứ Năm gọi đó “vô lý” và cố ý khiêu khích tạo thế đối đầu giữa Moskva và phương Tây, theo RT đưa tin.

Anatoly Antonov
Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Đại sứ Anatoly Antonov. (Ảnh chụp màn hình video)

Một dự thảo nghị quyết lưỡng đảng do Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Lindsey Graham và Richard Blumenthal đưa ra hôm Thứ Năm, đề xuất rằng Washington nên coi việc Nga hoặc các đồng minh của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là một cuộc tấn công vào NATO.

Ông Antonov miêu tả nghị quyết “là một biểu hiện khác của lòng căm thù mù quáng đối với đất nước của chúng tôi,” tuyên bố rằng những người ủng hộ nó tìm cách kéo Washington sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“Đây không chỉ là một sáng kiến ​​điên rồ khác của các thượng nghị sĩ Mỹ chống Nga,” ông Antonov tuyên bố, đồng thời chỉ ra ai mới là người đang châm ngòi quạt lửa dẫn tới một cuộc xung đột toàn cầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Nghị quyết được đề xuất cũng tìm cách áp đặt lên cộng đồng toàn cầu một “quan điểm khiêu khích rằng Nga dự định tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Ukraine,” ông Antonov nói, gợi ý rằng tài liệu này cũng có thể tạo cơ sở cho cáo buộc Moskva dàn dựng một sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nơi nằm trong phần Nga kiểm soát.

Đại sứ cho biết Nga luôn là “cường quốc hạt nhân có trách nhiệm” và không hề thay đổi chủ trương hạt nhân của mình, trong đó quy định rằng Moskva chỉ được sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp quốc gia đối diện đe dọa tồn vong.

Bằng cách sử dụng những lời hoa mỹ rẻ tiền như vậy, giới tinh hoa Mỹ thể hiện sự kém cỏi tuyệt đối của mình trong các vấn đề chiến lược. Những nhận xét mang tính khiêu khích và thiển cận của các nhà lập pháp Mỹ chỉ làm leo thang căng thẳng và làm tăng nguy cơ đẩy tình hình đến một điểm thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Ông Antonov cũng bác bỏ một lập luận khác trong nghị quyết Graham-Blumenthal, rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus phải được công nhận là mối đe dọa đối với Ukraine và NATO.

“Chúng tôi đã không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào. Chúng tôi đang làm chính cái điều mà người Mỹ đã làm từ lâu trong nhiều thập kỷ, khi họ trải rộng các cơ sở bom hạt nhân trong lãnh thổ của các đồng minh châu Âu của họ,” ông Antonov nói.

Quyết định đưa vũ khí hạt nhân vào đồng minh Belarus của Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào cuối tháng 3 để đáp trả quyết định của Vương quốc Anh cung cấp cho Kyiv vũ khí uranium nghèo. Sau đó, ông Antonov làm rõ rằng vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu đến nước láng giềng vào đầu tháng 7 sau khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất.

Nhật Tân