Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak nói với đài truyền hình Nga hôm 20/7, Nga sẽ không cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp đặt mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hiện đang thúc đẩy giới hạn để đẩy giá dầu xuống và điều đó khiến Moscow khó có thể duy trì tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây đang tính áp trần giá bán dầu Nga quanh 40-60 USD/thùng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần.

“Nếu mức giá mà họ đang nói đến thấp hơn giá thành sản xuất dầu, thì đương nhiên Nga sẽ không đảm bảo cung cấp loại dầu này cho các thị trường thế giới. Điều này có nghĩa là, đơn giản là chúng tôi sẽ không làm ăn thua lỗ,” Interfax trích dẫn lời ông Novak cho hay.

Trước đó, ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định với các phóng viên, giá dầu sẽ tăng vọt nếu mức giá trần được áp dụng. Ông nói:Chúng tôi đang nghe một số ý tưởng điên rồ về việc hạn chế sản lượng dầu của Nga và áp giá trần đối với dầu của Nga. Tất cả sẽ dẫn đến một kết quả giống nhau: tăng giá. Giá cả sẽ tăng vọt.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo, nỗ lực nhằm áp mức giá trần đối với dầu mỏ trên thực tế sẽ khiến giá dầu mỏ tăng lên.  

Theo Reuters, Mỹ và hầu hết các nước EU đã đồng ý ngừng mua dầu từ Nga, tuy nhiên, điều này giúp các khách hàng khác mua được dầu Nga với giá thấp hơn. Hiện Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi và Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga, với giá bán giảm sâu so với các tiêu chuẩn toàn cầu vì nhiều nhà lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga. Giá nhiên liệu tăng vọt được cho là giúp hồi sinh đồng rúp.

Nhật Minh (T/h)