Nhật Bản đang điều chỉnh chính sách quốc phòng vốn theo chủ nghĩa hòa bình truyền thống của mình theo hướng phản công mạnh hơn nhằm đáp lại nguy cơ từ các hoạt động quân sự của Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Nhật Bản đã thảo luận về các cách thức tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa để ngăn chặn hoặc đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài. Các cuộc thảo luận tiếp theo về vấn đề này đã được lên kế hoạch, Kyodo News đưa tin vào tuần trước.

Các cuộc thảo luận kín diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo chính trị đang cân nhắc lại khả năng quân sự của đất nước.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết sẽ xem xét việc đề nghị gia tăng ngân sách cho năm tài chính tiếp theo để tăng “đáng kể” khả năng đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc và các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân mới của Triều Tiên.

Và cuối tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện Quốc phòng của đất nước rằng ông sẽ không loại trừ những thay đổi cơ bản đối với chính sách quốc phòng, theo The Straits Times.

Kyodo báo cáo rằng Nhật Bản đang xem xét thực hiện các thay đổi đối với chiến lược an ninh của mình trong năm nay, bao gồm cả việc đại tu Chiến lược An ninh Quốc gia.

Jon Grevatt, một nhà phân tích quốc phòng tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương của nhóm tình báo quốc phòng Janes, cho biết ý định mới của Nhật Bản đánh dấu một sự thay đổi nhỏ so với các chính sách hòa bình được áp dụng sau thất bại của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

“Nhật Bản theo truyền thống là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình, điều đó có nghĩa là Nhật Bản chỉ phát triển các loại vũ khí có thể tự vệ trước nhiều cuộc tấn công. Nhưng các cuộc thảo luận về việc phản công dường như hơi khác biệt so với quan điểm của Nhật Bản trong quá khứ,” ông Grevatt nói.

“Tôi nghĩ những gì đang xảy ra ở Nhật Bản là việc nước này đang tìm cách phản ứng với mối đe dọa ngày càng tăng ở Đông Bắc Á, bao gồm cả Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Vì vậy, Nhật Bản cảm thấy cần phải ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào thông qua việc tăng cường khả năng phản công”.

Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư, được người Nhật gọi là quần đảo Senkaku. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường tuần tra bảo vệ bờ biển gần các đảo tranh chấp trong những năm gần đây.

Vào ngày 24/3, Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2017. Tên lửa đã hạ cánh xuống vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến Thứ trưởng Quốc phòng Makoto Oniki gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của đất nước chúng ta.”

Hiện Nhật cũng đang có tranh chấp với Nga về quần đảo Kuril mà Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến thứ hai, nhưng Tokyo không coi đó là mối đe dọa an ninh.

Grant Newsham, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, cho biết: “Hầu hết các quốc gia sẽ hài lòng rằng Nhật Bản, quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, đang phát triển khả năng quân sự mạnh mẽ hơn để giúp ngăn chặn – và có thể là răn đe – trước sự gây hấn và đe dọa của Trung Quốc”.

Tuy vậy, ông nhận định sẽ phải mất một thời gian trước khi Nhật Bản thực sự có cái gọi là khả năng phản công.

Ngân Hà (theo SCMP)