Nhật Bản phê duyệt khoản ngân sách quốc phòng cao kỷ lục trị giá 56 tỷ USD và nới lỏng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí, theo tờ Japan Times.

ngân sách quốc phòng
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Shag 7799/Shutterstock)

Nội các Nhật Bản hôm 22/12 phê duyệt khoản ngân sách trị giá 56 tỷ USD, mức cao kỷ lục và tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm ngoái. Gói ngân sách này nằm trong cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về tăng chi tiêu quốc phòng trong vài năm tới.

Trong khoản ngân sách mới được công bố, khoảng 2,6 tỷ USD được chi cho dự án đóng hai chiến hạm mới trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ phát triển. Nhật Bản dành gần 5,2 tỷ USD để tăng cường năng lực phòng thủ của quốc gia, trong đó có mua thêm tên lửa.

Hơn 520 triệu USD sẽ dành cho chương trình phát triển tổ hợp đánh chặn tên lửa siêu vượt âm. Ngoài ra, khoản ngân sách này còn bao gồm chi phí mà Nhật Bản đồng ý trả cho Mỹ để tái triển khai lực lượng tại quốc gia Đông Á này.

Hiến pháp Nhật Bản giới hạn năng lực quân sự của nước này ở các biện pháp mang tính phòng thủ. Tuy nhiên, Nhật Bản năm 2022 cập nhật các chính sách an ninh và quốc phòng quan trọng, đặt mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để đạt mức 2% GDP như các nước thành viên NATO vào năm 2027.

Giới chức Nhật Bản cùng ngày cũng nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí, cho phép bán các tổ hợp tên lửa phòng không mà nước này sản xuất cho Mỹ. Truyền thông Nhật Bản đưa tin thương vụ bán biến thể Patriot PAC-3 cho Mỹ sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản xuất khẩu vũ khí từ sau Thế chiến II.

Các quan chức Nhật Bản cho biết quyết định thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí là theo đề nghị của Mỹ. Nhật Bản vốn kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu vũ khí, song giới chức nước này năm 2014 nới lỏng một số quy định liên quan.

Phan Anh

Video: Đóng góp ý kiến và chỉ trích khác nhau thế nào?