Ngày 9/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, ông đã thảo luận về hành động gây hấn của Nga ở Ukraine trong hơn năm giờ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó ông nêu quan ngại về sự liên kết giữa Bắc Kinh với Moscow.

Embed from Getty Images

Trong cuộc họp riêng một ngày sau khi diễn ra hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, cả hai nhà ngoại giao đều mô tả cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên của họ kể từ tháng 10/2021 là hết sức “thẳng thắn”.

“Tôi đã chia sẻ một lần nữa rằng chúng tôi rất lo ngại về mối liên kết giữa CHND Trung Hoa với Nga,” ông Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm. Ông bày tỏ, ông không nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc đang hành xử theo cách trung lập, vì họ đã ủng hộ Nga tại Liên Hợp Quốc và “khuếch đại tuyên truyền của Nga”.

Ông Blinken nhắc lại việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rõ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm 13/6, ông đã đưa ra quyết định thành lập quan hệ đối tác với Nga. Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Bắc Kinh và Moscow cũng tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn”. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn chưa trực tiếp giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, hoặc cung cấp thiết bị quân sự cho nước này.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả áp đặt chế tài, nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm làm suy yếu quân đội Ukraine. Kyiv và các đồng minh phương Tây nhìn nhận cuộc xâm lược này là một cuộc lấn chiếm lãnh thổ vô cớ.

Khi được hỏi về việc từ chối hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại G20, Ngoại trưởng Blinken trả lời: “Vấn đề là ở chỗ: chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa vào thời điểm này.”

Ông Vương đã trao đổi quan điểm sâu sắc về “vấn đề Ukraine” trong cuộc hội đàm hôm 9/7, theo một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Ông cũng nhận xét với ông Blinken, hướng đi của quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc có nguy cơ bị “lạc lối”, hơn nữa nguyên nhân là do nhận thức của Hoa Kỳ về chính quyền Trung Quốc “có vấn đề”.

Ông Vương cho rằng, Washington nên hủy bỏ các mức thuế bổ sung áp lên Trung Quốc càng sớm càng tốt và ngừng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các công ty Trung Quốc.

Trước cuộc đàm phán, các quan chức Hoa Kỳ nhận định, cuộc gặp gỡ này nhằm mục đích giữ cho mối quan hệ khó khăn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ổn định và ngăn chặn nó trở thành xung đột gay gắt.

“Trong tương lai, Hoa Kỳ muốn các kênh liên lạc của chúng tôi với Bắc Kinh tiếp tục duy trì,” ông Blinken nhấn mạnh.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ có cuộc đàm thoại trở lại trong những tuần tới, ông Blinken tiết lộ.

Ông Daniel Russel, một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cũng có liên hệ chặt chẽ với các quan chức chính quyền Biden, đã đưa ra bình luận trước cuộc hội đàm. Theo ông, mục tiêu chính của cuộc gặp nhằm tìm kiếm khả năng tiến hành cuộc gặp trực tiếp giữa Biden và ông Tập, có thể bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm nay.

Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của mình, và cũng đang hết sức quan ngại việc nước này có thể cố gắng chiếm đảo Đài Loan dân chủ tự trị, giống như Nga tấn công Ukraine.

Bất chấp sự cạnh tranh của họ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn. Hiện ông Biden còn xem xét việc loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng của Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

Minh Ngọc (Theo Reuters)