Ông Joe Biden đã trở thành tổng thống Mỹ thứ ba công khai cam kết bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) đang tranh chấp vào ngày 4/10, trong bối cảnh tân Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ chống lại các mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, trong đó có sự gây hấn quân sự của chính quyền cộng sản quanh các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông.

Embed from Getty Images

Sau khi ông Biden trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên nói chuyện với tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, một bài diễn văn do Nhà Trắng công bố đã gọi liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”.

Trong khi đó, ông Kishida cũng trao đổi với các phóng viên ở Tokyo hôm 5/10 rằng, Tổng thống Mỹ đã đưa ra “những luận điểm mạnh mẽ về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm Điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật”, điều khoản có từ thời chính quyền Obama, bao trùm chuỗi đảo do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.

Năm 2014, Mỹ lần đầu tiên xác nhận đặt quần đảo Điếu Ngư vào diện nghĩa vụ bảo vệ theo Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật ký năm 1960, nhân dịp ông Barack Obama thăm chính thức Nhật Bản. Về cơ bản, Hoa Kỳ công nhận quyền lãnh thổ của Nhật Bản đối với quần đảo này.

Ông Kishida cho biết thêm: “Chúng tôi xác nhận sẽ hợp tác hướng tới tăng cường liên minh Nhật – Mỹ và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.”

Trong một tuyên bố riêng về cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay, ông Biden đã “tái khẳng định cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả việc áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư.”

Tân Thủ tướng Kishida còn nhấn mạnh, liên minh Mỹ – Nhật sẽ “tiếp tục là cốt lõi trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản” dưới thời nội các của ông.

Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 4/10, ông Kishida khẳng định sẽ ủng hộ mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như quan hệ đối tác với các nền dân chủ cùng chí hướng khác ở châu Á, châu Âu và Anh, một phần trong chiến lược chống lại Trung Quốc và Triều Tiên.

Ông thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, một nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng, nhưng nhấn mạnh “chúng ta phải lên tiếng” chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tháng trước, Tokyo đã lên tiếng chỉ trích một hạm đội gồm bảy tàu hải cảnh Trung Quốc, trong đó có bốn tàu được trang bị pháo đã tiến vào vùng tiếp giáp và lãnh hải của quần đảo Điếu Ngư. Đây là lần thứ 29 từ đầu năm đến nay tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển mà Nhật xem là lãnh hải xung quanh Điếu Ngư.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: