Lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc tin rằng Nga là đối tác quan trọng nhất trong việc hợp tác làm suy yếu trật tự thế giới, theo nhận định của một chuyên gia.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin để làm suy yếu Hoa Kỳ và trật tự quốc tế do nước này dẫn đầu, theo nhận định của bà Patricia Kim, một thành viên tại Viện Brookings. 

“[Trung Quốc] vẫn chưa cắt đứt quan hệ với Moscow, chứ chưa nói đến việc gây áp lực lên ông Putin để kiềm chế cuộc xâm lược Ukraine của ông ta”, bà Kim nói trong cuộc thảo luận ngày 26/9 tại Viện Brookings.

“Rõ ràng là ông Tập coi ông Putin là đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong việc làm suy giảm điều ông ấy coi là trật tự toàn cầu do phương Tây thống trị”.

Trung Quốc, Nga theo đuổi Trật tự Thế giới Đa cực

Bà Kim cho biết, nỗ lực của ông Tập trong việc hiện thực hoá kết thúc sự thống trị của Mỹ được thể hiện qua cách ông lựa chọn chuyến công du quốc tế trong năm qua.

Trong năm ngoái, ông Tập chỉ thực hiện hai chuyến công du ra khỏi Trung Quốc, một chuyến tới dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Nam Phi và chuyến còn lại để mở rộng quan hệ với ông Putin ở Moscow.

Khi ông Tập đến thăm Moscow vào tháng Ba, ông mô tả ông Putin là một “người bạn thân thiết” và ca ngợi những động thái của hai bên đã tạo ra “sự thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua”.

Tuyên bố đó đi kèm với cam kết cởi mở của hai nhà lãnh đạo trong việc định hình lại trật tự quốc tế dựa trên lợi ích của họ, trong đó ông Putin nói rằng Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn để thay thế các “quy tắc” của trật tự thế giới hiện tại.

Bà Kim nói rằng ĐCSTQ, chưa hề rời xa Nga vì nỗ lực chinh phục Ukraine vẫn đang tiếp diễn, mà càng tích cực hơn để phát triển mối quan hệ.

Tương tự như vậy, chế độ này đã cộng tác cùng với Nga để tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển, nơi họ hy vọng sẽ làm xói mòn niềm tin vào Hoa Kỳ và để Trung Quốc thay thế dẫn đầu trong các tổ chức quốc tế hiện hành. 

“Bắc Kinh ngày càng xa cách với phương Tây… và có mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Moscow cũng như nỗ lực trau dồi các nước ‘thế giới thứ Ba’; những xu hướng này vẫn còn rất vững chắc và theo nhiều cách, chúng đã đang trở nên sâu sắc hơn”, bà Kim nói.

Bà Kim cho biết, để đạt được mục tiêu đó, ĐCSTQ không có dấu hiệu rút lại hành vi bành trướng và đôi khi là gây hấn trên toàn thế giới. Bà Kim nói  lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đơn giản là không quan tâm đến việc hợp tác giải quyết các thách thức xuyên quốc gia quan trọng hay thiết lập các ‘lan can an toàn’ để định hướng mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ.

Bà Kim nói: “[ĐCSTQ] có niềm tin vững chắc rằng trách nhiệm thay đổi chính sách thuộc về Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, bà Kim nói thêm, một khối gắn kết do Trung Quốc lãnh đạo vẫn chưa thể thành hiện thực mặc dù thực tế là Trung Quốc “rất quyết tâm” khai thác “sự bất bình” của các nước đang phát triển để làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Bà nói, một lý do giải thích cho điều này là hầu hết các quốc gia đều hiểu tham vọng bá quyền của Trung Quốc bất chấp luận điệu hoa mỹ của nước này.

Bà Kim nói: “Nhiều quốc gia ở nhóm các nước đang phát triển không nhất thiết chấp nhận những tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này không có tham vọng bá quyền”.

Một liên minh đang phát triển

Ông Tập và ông Putin lần đầu tiên tuyên bố thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022, chỉ vài tuần trước khi quân đội Nga xâm chiếm Ukraine. Kể từ đó, hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và chiến lược, đồng thời ký tuyên bố chung làm sâu sắc thêm “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.

Các thỏa thuận này tiếp tục củng cố liên minh  thực tế giữa Bắc Kinh và Moscow, vốn đã phát triển kể từ khi Nga bắt đầu xâm chiếm Ukraine. Trong giai đoạn đó, Trung Quốc cộng sản đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga trong thương mại và ngoại giao, giúp Moscow tiếp tục vận hành trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế tàn khốc.

Vào tháng Ba, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng hỗ trợ các công ty Trung Quốc tìm cách thay thế các doanh nghiệp phương Tây đã rời khỏi Nga vì cuộc chiến tranh với Ukraine. Ông Putin cũng nói hai nước Nga-Trung nên khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đồng nội tệ của họ.

ĐCSTQ cũng bị cộng đồng quốc tế lên án vì những cáo buộc rằng họ bí mật cung cấp viện trợ quân sự cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho quân đội Nga, và trong những tháng gần đây càng cho thấy rõ chế độ này vẫn chưa dừng những thỏa thuận như vậy.

Nhà Trắng cũng xác nhận rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đã trực tiếp hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhưng không nói rằng sự hỗ trợ đó tương đương với viện trợ gây chết người.

Khi Nhà Trắng ban hành các lệnh trừng phạt đối với nhiều thực thể quốc tế liên quan đến cuộc chiến của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, thì đồng thời cũng nhắm vào các thực thể Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, giúp chế độ này né tránh các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả.

Theo báo cáo hồi tháng Hai của hãng truyền thông Đức Der Spiegel, Trung Quốc từng làm giả tài liệu vận chuyển để ngụy trang các thiết bị hàng không quân sự dưới danh nghĩa là thiết bị dân dụng để chuyển đến Nga. Nước này còn sử dụng các bên trung gian ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để cung cấp máy bay không người lái lưỡng dụng cho Nga.

Báo cáo này cũng cáo buộc rằng ĐCSTQ hiện đang chuẩn bị vận chuyển máy bay không người lái cảm tử tới Nga để sử dụng ở Ukraine.

Tương tự, một báo cáo của trang tin tức Kyodo News của Nhật Bản trích dẫn nguồn tin ẩn danh của chính phủ Mỹ tuyên bố rằng đạn dược Trung Quốc đã được tìm thấy trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, báo cáo làm rõ rằng không có bằng chứng nào cho thấy ĐCSTQ bán đạn dược trực tiếp cho Nga.