Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ “quay xe” với Đài Loan và tỏ ý thân thiện với ông Tập Cận Bình. Liệu động thái này có thể hiện đúng như quan điểm của ông Trump? Nhà bình luận thời sự Đường Hạo (TangHao) đã phân tích vấn đề này trong chương trình “Ngã tư thế giới” (Crossroads_TangHao).

Donald Trump on CNN
Tại sao ông Trump vừa chỉ trích Đài Loan vừa nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện với ông Tập Cận Bình? Có nhận định cho rằng ông Trump có mục đích riêng trong động thái này.. (Ảnh chụp màn hình CNN)

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với giới truyền thông, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tránh chủ đề nhạy cảm về việc liệu Mỹ có hỗ trợ Đài Loan phòng thủ không, trái lại ông còn chỉ trích Đài Loan đã giành mất việc làm trong ngành bán dẫn của Mỹ nên cần áp đặt thêm thuế quan đối với chip của Đài Loan. Tại sao ông Trump vừa chỉ trích Đài Loan vừa nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình? Nếu ông Trump đắc cử tổng thống, liệu ông có bỏ rơi Đài Loan? Tại sao ông Putin và ông Tập Cận Bình lo ngại ông Trump?

Ông Đường Hạo nhận định ông Trump không hổ là nhà lãnh đạo huyền thoại “khó đoán” và “chính trị gia không theo lề lối”, vào thời điểm Mỹ và Đài Loan đang tích cực hợp lực để kiềm chế ĐCSTQ thì ông Trump đã mạnh dạn đưa ra nhận xét trên. Một số tổ chức truyền thông Đài Loan cho rằng nếu ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ vào năm tới, ông sẽ không hứa giúp bảo vệ Đài Loan; một số tổ chức truyền thông thì nói bóng gió rằng ông Trump có thể trao Đài Loan cho ông Tập Cận Bình nếu đắc cử tổng thống.

Về vấn đề này, nhà bình luận Đường Hạo cho biết đã nghiên cứu kỹ về cuộc đời của Trump và nhận thấy ông ấy có nhiều ý tưởng cũng như tài ăn nói khác với các chính trị gia bình thường: “Dù sao thì ông ấy (Trump) cũng là một doanh nhân. Ông ấy đã trải qua vô số cuộc đàm phán kinh doanh và cuộc chiến cạnh tranh tàn khốc trên thương trường, vì vậy những cuộc đối thoại công khai của ông ấy trong nhiều trường hợp có thể không dễ chịu hoặc chân thực, nhưng thực tế đều có cân nhắc về tương lai sẽ đàm phán với đối thủ, đồng thời ông Trump cũng tính đến tình hình chung và bám sát theo đường hướng đó”.

Đối với phát biểu của Trump lần này, ông Đường Hạo cho rằng có thể được diễn giải từ các khía cạnh sau:

(1) Ông Trump nói vấn đề đó với ai?

Ông Trump đang chuẩn bị tranh cử tổng thống vào năm tới, những gì ông ấy nói trong cuộc phỏng vấn tất nhiên là dành cho cử tri Mỹ. Fox News là một tổ chức truyền thông tương đối bảo thủ ở Mỹ, khán giả của kênh thường là những cử tri bảo thủ, những người tương đối truyền thống và coi trọng lợi ích quốc gia của Mỹ.

Vì vậy, khi người dẫn chương trình đề cập đến Đài Loan và vấn đề xuyên eo biển với ĐCSTQ, ông Trump lập tức nghĩ đến lấy vấn đề kinh tế bán dẫn đang nóng nhất làm ví dụ, chỉ trích Đài Loan cướp công việc bán dẫn của Mỹ nên áp đặt thuế quan đối với Đài Loan… Hàm ý nói với cử tri Mỹ rằng ông sẽ coi trọng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ và vấn đề việc làm trong ngành công nghệ này.

Theo cá tính của mình, trước tiên ông ấy luôn có những lời phê bình đối thủ, điều đó sẽ khiến bài phát biểu có vẻ kịch tính và hấp dẫn, để tránh những lời thông thường nghe trống rỗng, buồn tẻ. Kỹ xảo nhất quán về truyền thông của ông ấy có thể tóm gọn là: Không sợ làm mất lòng, chỉ sợ không có người xem.

(2) Tại sao chỉ trích Đài Loan?

Người dẫn chương trình hỏi Mỹ có nên bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ cử quân đến Đài Loan không? Ông Trump nói rằng ông không muốn trả lời vấn đề này, nếu ông trả lời sẽ khiến ông gặp bất lợi trong đàm phán. Trả lời của ông ấy là chân thành, một điểm mấu chốt trong phương pháp đàm phán của ông ấy là cố gắng không để lộ ý định thực sự của mình khi bắt đầu đàm phán, thậm chí dương đông kích tây để đối phương không thể nắm bắt được ông ấy nghĩ gì, qua đó để có được điều ông Trump mong muốn bằng giá phải trả thấp nhất có thể.

Trên thực tế, liệu Mỹ có nên giúp bảo vệ Đài Loan hay không và làm thế nào để qua mặt ĐCSTQ là những ưu tiên hàng đầu của ông Trump. Vì vậy ông ấy không thể nói quá nhiều, không thể để ĐCSTQ nắm bắt quá nhiều manh mối để phân tích, vì vậy ông ấy nhanh chóng lướt qua và tập trung vào Đài Loan.

Tại sao ông Trump không giống như như các chính trị gia khác thường nói thẳng vào vấn đề rằng “Đài Loan quan trọng và hòa bình ở eo biển Đài Loan rất quan trọng”, trái lại chỉ trích một cách tiêu cực Đài Loan cướp công việc bán dẫn của Mỹ? Về vấn đề này, nhà bình luận Đường Hạo cho rằng lý do đầu tiên là vì ông Trump đang nói cho cử tri Mỹ nghe, nên khi phát biểu tập trung vào lợi ích của họ. Một lý do khác là ông Trump muốn giảm bớt sự thù địch và cảnh giác của ĐCSTQ, trước tiên không công khai nhấn mạnh sát cánh với Đài Loan mà thay vào đó là giữ khoảng cách một chút. Có lẽ ý đồ của ông ấy là để kéo ĐCSTQ lại gần hơn để hai bên có thể ngồi xuống đàm phán cùng nhau.

Đường Hạo cho rằng ông Trump rất giỏi trong việc tương tác với mọi người, đặc biệt là “kéo tất cả mọi người vào bàn đàm phán”. Khi đó ông ấy sẽ thấy rõ tâm lý và lợi ích của đối phương nằm ở đâu, sau đó trước hết bày tỏ lời khen ngợi một cách thích hợp để giữ chân đối phương trên bàn đàm phán. Giải quyết mọi việc thông qua đàm phán chắc chắn là rẻ hơn so với đối đầu. Ông Trump cố tình sử dụng Đài Loan làm mục tiêu, một mặt là một kiểu “mập mờ chiến lược” nhằm khiến vấn đề liệu Mỹ có sát cảnh với Đài Loan hay không trở nên mờ hồ khó đoán; mặt khác muốn lợi dụng điều đó để lôi kéo ĐCSTQ, tạo cơ hội kết nối và đàm phán với họ.

(3) Hy sinh Đài Loan để lấy lòng Tập Cận Bình?

Như thời kỳ đầu [thời làm Tổng thống], ông Trump luôn nhấn mạnh rằng ông có quan hệ tốt với ông Tập Cận Bình, thực chất là nói xã giao để lôi kéo đối phương. Sau khi chiến tranh thương mại bắt đầu, ông Trump dần thay đổi giọng điệu rằng họ “có mối quan hệ không tốt”“đã lâu không liên lạc”. Gần đây, ông Trump lại bắt đầu nói [giọng điệu như trước] rằng ông có mối quan hệ tốt với ông Tập Cận Bình…. Vấn đề này ông Đường Hạo cho rằng đây chỉ là một cách nói để ông Trump thiết lập mối quan hệ với đối thủ. Nếu ông Trump lại làm tổng thống một lần nữa, ông ấy sẽ không bao giờ hy sinh Đài Loan để lấy lòng ông Tập Cận Bình.

Khi ông Trump mới nhậm chức vào năm 2017, ông ấy không biết nhiều về tầm quan trọng địa chính trị của Đài Loan, cũng như không hiểu rõ về thủ đoạn xảo quyệt của ĐCSTQ, tuy nhiên sau đó ông ấy đã nhiều lần ra tay chống lại ĐCSTQ và nhất quyết gây chiến thương mại với ĐCSTQ; ông ấy đã bổ nhiệm các quan chức diều hâu như Pompeo, Miles Maochun Yu (Dư Mậu Xuân), và Navarro.

Ngoài ra phải lưu ý ông Trump là người kiên quyết chống chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, đã nhiều lần nói rằng chúng sẽ chỉ mang lại đau khổ và tham nhũng. Vì vậy, ông Trump sẽ không bao giờ trao Đài Loan cho ông Tập Cận Bình để sự đau khổ và thối nát của cộng sản lan ra thế giới.

(4) Sẽ bỏ rơi Đài Loan?

Ông Đường Hạo phân tích rằng ông Trump không thể từ bỏ Đài Loan, bởi vì một khi ĐCSTQ giành được Đài Loan sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ, điều mà ông Trump không thể chấp nhận được. Ông chỉ ra rằng tầm quan trọng của Đài Loan đối với Mỹ có những điểm sau:

Thứ nhất, eo biển Đài Loan kiểm soát 50% vận chuyển hàng hóa toàn cầu và 70% vận chuyển chất bán dẫn. Nếu eo biển Đài Loan bị ĐCSTQ kiểm soát, thương mại và kinh tế của châu Âu, châu Mỹ và Đông Á sẽ bị ĐCSTQ chèn ép, điều này sẽ mang lại rủi ro an ninh kinh tế cho Mỹ.

Thứ hai, Đài Loan nằm ở trung tâm của chuỗi đảo thứ nhất, là điểm giao của bờ biển Trung Quốc và biển sâu Thái Bình Dương. Nếu ĐCSTQ kiểm soát Đài Loan, các tàu ngầm của ĐCSTQ có thể dễ dàng đi vào vùng biển sâu từ phía đông Đài Loan, điều này sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn về tên lửa và vũ khí hạt nhân đối với Mỹ, Úc và Canada.

Thứ ba, Đài Loan là chỗ dựa quan trọng để Mỹ duy trì quyền bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nếu Mỹ từ bỏ Đài Loan thì không những phải rút khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn mất lòng tin của các đồng minh quốc tế khiến nhiều nước ngả theo ĐCSTQ. Khi đó, đồng đô la Mỹ sẽ mất giá mạnh và nền kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái nghiêm trọng.

(5) Trump có khả năng giữ Đài Loan không?

Nhà bình luận Đường Hạo chỉ ra rằng ông Trump hướng theo quan niệm quốc phòng của cố Tổng thống Reagan: “Đổi sức mạnh lấy hòa bình”. Ông Trump từng công khai chất vấn: Tại sao khi ông cầm quyền thì ông Putin không dám xâm lược Ukraine và ông Tập Cận Bình không dám gây hấn Đài Loan? Bởi ông ông Trump từng nói thẳng với ông Putin rằng Mỹ sẽ tấn công vào thẳng Moscow nếu Nga xâm lược Ukraine, điều tương tự cũng được ông Trump nói với ông Tập Cận Bình.

Không lâu sau khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump đã ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria san bằng một căn cứ không quân. Thời điểm đó, tại bàn ăn tối ở Mar-a-Lago, ông nói đùa với ông Tập Cận Bình rằng ông vừa ra lệnh ném bom Syria, động thái khi đó của ông Trump đã khiến ông Putin và ông Tập Cận Bình “biến sắc”. Do vậy họ tin ông Trump đã nói thì sẽ làm. Điều này giải thích trong nhiệm kỳ của ông Trump, cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều không dám xâm phạm nước khác.

Do đó, nhà bình luận Đường Hạo cho rằng ông Trump sẽ không bao giờ bán đứng Đài Loan.