Manila và Bắc Kinh hôm thứ Bảy (6/4) chỉ trích nhau về một đợt đụng độ mới ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, làm trầm trọng thêm căng thẳng ở vùng biển quan trọng này.

Manila cho biết, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đang quấy rối các tàu cá Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong khi Bắc Kinh cho biết các tàu phía Trung Quốc đang đáp trả hoạt động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Cảnh sát biển Trung Quốc Gan Yu đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Bảy, cáo buộc các tàu chính thức của Philippines “xâm phạm và khiêu khích bất hợp pháp dưới chiêu bài gọi là ‘bảo vệ nghề cá’, tổ chức cho giới truyền thông cố tình kích động, đánh lừa và tiếp tục phá hoại sự ổn định ở Biển Đông.”

Biển Đông là tuyến đường vận chuyển thương mại hàng hải trị giá hơn 3000 tỷ USD hàng năm. ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần được Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) năm 2016 cho rằng các yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ không có cơ sở pháp lý.

Bắc Kinh và Manila đang vướng vào cuộc xung đột tại Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là Bãi Nhân Ái) không có người ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Năm 1999, Philippines đã neo đậu một tàu đổ bộ rỉ sét từ Thế chiến II ở đây để bảo vệ các yêu sách hàng hải của Manila, nhưng các nhiệm vụ tiếp tế liên quan đã bị Bắc Kinh can thiệp và cản trở.

Tháng trước, Trung Quốc và Philippines xảy ra nhiều xung đột trên biển, tàu hải cảnh của ĐCSTQ nhiều lần dùng vòi rồng bắn vào tàu Philippines, hai bên khẩu chiến gay gắt, làm dấy lên lo ngại xung đột trên biển leo thang.

Tau Philippines
Ngày 5/3/2024, khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp ở Biển Đông, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (bên trái và bên phải) đã bắn vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do quân đội Philippines thuê (ở giữa), khiến 4 thuyền viên người Philippines bị thương. (Ảnh: Chụp màn hình video Cảnh sát biển Philippines)

Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp là một phần của quần đảo Trường Sa. Lực lượng hải cảnh của ĐCSTQ hôm thứ Bảy (ngày 6/3) cho biết một số tàu Philippines đã xâm nhập “trái phép” vào vùng biển gần các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela đăng trên mạng xã hội X cho biết, hôm thứ Năm, một tàu Trung Quốc “giả vờ đe dọa ngư dân Philippines bằng vòi rồng” trên rạn san hô Iroquois.

Đối mặt với sự bắt nạt liên tục của ĐCSTQ, Philippines đang tăng cường hợp tác với các đồng minh. Tuần tới, lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Washington, dự kiến ​​những hành động gây hấn của ĐCSTQ ở Biển Đông sẽ là một trong những trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh lần này.

Chủ nhật tuần này, Philippines sẽ tổ chức một cuộc tập trận hàng hải với lực lượng quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản và Úc, cuộc tập trận mà họ cho là nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.