Một quan chức cấp cao của chính quyền Kyiv hôm thứ Bảy (23/12) tiết lộ rằng 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa ủng hộ tuyên bố về các đảm bảo an ninh cho Ukraine, theo RT đưa tin. 

Tuyên bố về các đảm bảo an ninh cho Ukraine đã được tất cả thành viên nhóm G7 phê duyệt hồi tháng Bảy. Tuyên bố này vạch ra các cam kết an ninh dài hạn cho Kyiv, trong đó hứa hẹn với Ukraine về tiếp tục viện trợ quân sự, hỗ trợ sản xuất vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và các biện pháp khác nhằm nâng cao tâm lý ủng hộ phương Tây, nghiêng về EU tại quốc gia Đông Âu này.

Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrey Sibiga khi phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm thứ Bảy (23/12) đã tiết lộ rằng Áo, Croatia, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Malta vẫn chưa tán thành các đảm bảo an ninh. Nhưng ông Sibiga cũng nói Kyiv đang làm việc để đưa 6 quốc gia này lên thuyền. Cũng theo ông Sibiga, không có lý do gì phải thuyết phục họ rằng họ cần gia nhập vào tuyên bố này bởi vì tất cả bọn họ đều biết tiến trình đó sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra.

Chúng tôi chỉ là đang nói về các vấn đề chi tiết, về quốc gia này quốc gia kia giỏi về lĩnh vực gì và sẵn lòng đưa ra các cam kết về một trong những khía cạch của tuyên bố đó. Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia này đều có ý chí chính trị sẽ trở thành một phần của tuyên bố”, ông Sibiga nói.

Hồi tháng Chín, trợ lý cấp cao của Tổng thống Zelensky, ông Mikhail Podoliak nói rằng đã có tổng cộng 28 quốc gia ủng hộ các đảm bảo an ninh cho Kyiv và con số này sẽ tăng lên 51.

Ông Sibiga trong phát biểu hôm 23/12 nói thêm rằng vấn đề về các đảm bảo an ninh cho Ukraine đã được thảo luận trong chuyến thăm Kyiv gần đây của Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Trong chuyến công du này, ông Radoslaw Sikorski cũng đã hội kiến với Tổng thống Ukraine Zelensky. Kyiv và Warsaw gần đây đã xảy ra bất đồng về các cuộc biểu tình do các tài xế xe tải Ba Lan tổ chức tại khu vực biên giới. Những người biểu tình này phản đối các quy định của EU mà họ nói chúng sẽ trao cho những đối thủ cạnh tranh người Ukraine những lợi thế không công bằng.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer hồi tháng Sáu khi bình luận về các đảm bảo an ninh cho Ukraine đã nói rằng một số quốc gia thành viên EU vốn duy trì trình trạng trung lập chính trị không thể tán thành tuyên bố đó. Dù vậy, ông Karl Nehammer cũng hứa sẽ thảo luận thêm về vấn đề này trong tương lai.

Hungary và Slovakia là hai thành viên EU phản đối mạnh mẽ nhất việc viện trợ quân sự cho Kyiv. Budapest cũng đang nghi ngờ về động lực xin gia nhập EU của Kyiv, trong khi Bratislava cảnh báo rằng việc Ukraine gia nhập EU là tương lai “quá xa vời”.

Hải Đăng