Starbucks đã tuyên bố sẽ hoàn toàn rời khỏi Nga sau một thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này vì cuộc xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

Sau 15 năm có mặt tại thị trường Nga, Starbucks sẽ đóng cửa vĩnh viễn 130 cửa hàng của mình trên khắp đất nước và không còn sự hiện diện của thương hiệu ở nước này nữa, theo một bản ghi nhớ ngày 23/5 gửi cho các nhân viên.

Gã khổng lồ cà phê cho hay, họ sẽ tiếp tục trả lương cho nhân viên của mình ở Nga trong sáu tháng và hỗ trợ họ tìm kiếm công việc mới.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Starbucks tuyên bố sẽ tạm dừng các hoạt động của mình tại Nga.

“Chúng tôi không ngừng theo dõi những sự kiện bi thảm đang diễn ra, và hôm nay, chúng tôi quyết định đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh ở Nga, bao gồm cả việc vận chuyển toàn bộ các sản phẩm của Starbucks,” Giám đốc điều hành Kevin Johnson viết trong một bản thông báo ngày 8/3.

“Đối tác được cấp phép của chúng tôi đã đồng ý tạm dừng ngay hoạt động của cửa hàng và sẽ hỗ trợ gần 2.000 nhân viên ở Nga, những người phụ thuộc vào Starbucks để kiếm sống,” ông cho biết thêm.

Ông Johnson cũng cam kết quyên góp tiền lợi nhuận bản quyền từ hoạt động kinh doanh của Starbucks ở Nga cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine.

Starbucks lần đầu tiên gia nhập thị trường Nga vào năm 2007 và đã theo gót các công ty phương Tây khác, bao gồm McDonald’s rời khỏi Nga.

Tuần trước, chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt lớn nhất thế giới đã thông báo đóng cửa vĩnh viễn 850 cửa hàng nhượng quyền tại Nga, kết thúc hơn ba thập kỷ gắn bó với thị trường này.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi đã loại bỏ một thị trường lớn và bán danh mục các nhà hàng McDonald’s của mình,” ông Chris Kempczinski, giám đốc điều hành McDonald’s cho biết trong một bức thư gửi nhân viên và đối tác sang nhượng. “Họ sẽ không còn mang tên McDonald’s hay phục vụ thực đơn của chúng tôi nữa. Những biểu tượng Vòm Vàng sẽ không còn tỏa sáng ở Nga nữa.”

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn cũng đã rời khỏi Nga sau cuộc xâm lược, từ các tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell và BP của Anh đến nhà sản xuất ô tô Pháp Renault và tập đoàn phần mềm khổng lồ SAP của Đức.

Ông Kempczinski nhấn mạnh trong bức thư của mình, gần như mọi tập đoàn đa quốc gia đều đang xem xét lại sự hiện diện của họ ở Nga, gọi đây là “một vấn đề phức tạp chưa có tiền lệ và gây ra hậu quả sâu rộng”.

“Không thể đoán trước được tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi chọn kết thúc thông điệp của mình với cùng một tinh thần đã đưa McDonald’s đến với Nga ngay từ đầu: hy vọng,” ông Kempczinski viết. “Vì vậy, chúng ta đừng kết thúc bằng câu ‘tạm biệt’ (goodbye). Thay vào đó, chúng ta hãy nói như cách nói của tiếng Nga: Cho đến khi chúng ta gặp lại nhau (До свидания).”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)