Cuối tháng 7/2023, Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một hiệp hội nghiên cứu chính sách lâu đời có trụ sở tại Washington, đã đăng tải một bài viết trên tờ Epoch Times với tựa đề “Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây”, chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo thế giới, các CEO và Phố Wall đã vì mục đích kinh tế chính trị mà làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc:

“Sự khao khát những ‘đồng tiền máu’ của ĐCSTQ của các nhà lãnh đạo thế giới, các CEO và giới tài chính Phố Wall là không có giới hạn. Họ không cảm thấy xấu hổ khi im lặng và chấp nhận những hành động tàn bạo và tội ác chống lại loài người…”

Gregory Copley là chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, từng nhận huy chương danh dự của Úc, là doanh nhân, tác gia, cố vấn chính phủ và biên tập viên lĩnh vực xuất bản quốc phòng. Ông là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến tổng lực mới của thế kỷ 21 và nguyên nhân gây ra đại dịch sợ hãi” (The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic).

Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây
Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. (Ảnh: Epoch Times)

Dưới đây là bản dịch nguyên văn bài báo “Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây”, bản gốc tham khảo tại đây.

*

Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây

Có một cái giá mang tính chiến lược mà phương Tây sẽ phải trả – và đang phải trả – cho việc không giữ được lập trường đạo đức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi nó thực thi chính sách diệt chủng và các hình thức đàn áp khác đối với chính người dân Trung Quốc.

Phương Tây đã thắng trong Chiến tranh Lạnh vì họ xây dựng được uy tín toàn cầu nhờ quan điểm đạo đức ủng hộ tự do và phẩm giá con người, và do đó, đã thu hút được những bộ óc giỏi nhất và những phương pháp hiệu quả nhất. Ngay cả những đối thủ cộng sản của phương Tây thời đó cũng hiểu rằng họ không nhận được niềm tin là vì họ đã từ chối nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống, tín ngưỡng và chủ quyền cá nhân của công dân.

Uy tín và tính hợp pháp bắt nguồn từ “các giá trị phương Tây” bắt đầu lung lay và mờ nhạt khi các chính phủ phương Tây từ Washington đến Canberra, từ Berlin đến Ottawa, bắt đầu tìm kiếm “phần thưởng kinh tế” từ ĐCSTQ. Để đạt được lợi ích, họ đã gạt bỏ các giá trị đạo đức và trở thành đối tác lệ thuộc vào ĐCSTQ.

Vậy còn tất cả chúng ta, những người trên khắp thế giới, có lỗi không trước tội ác diệt chủng đối với các thành viên của phong trào tâm linh Pháp Luân Công ở Trung Quốc, khi chúng ta không lên tiếng phản đối nó?

Tại sao một số người phương Tây chấp nhận bằng chứng về tội ác diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng lại không nhìn nhận hành vi diệt chủng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công?

Rõ ràng, những người Duy Ngô Nhĩ khổ đau được một số cơ quan tình báo phương Tây ủng hộ là vì vùng đất Tân Cương, hiện trực thuộc Trung Quốc cộng sản, nằm trên vị trí địa lý quan trọng nối liền Trung Quốc với Pakistan và phần lớn Trung Á.

Còn việc chống lại nạn diệt chủng các thành viên Pháp Luân Công thì không mang lại lợi ích gì để các cơ quan tình báo phương Tây lợi dụng.

Một số người tin rằng những gì đang xảy ra đối với Pháp Luân Công không phải là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, các hành động của ĐCSTQ đã đáp ứng định nghĩa về tội ác diệt chủng của Liên Hợp Quốc năm 1948, cụ thể là:

  • Giết các thành viên của một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.
  • Gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên trong nhóm.
  • Cố tình nhắm vào các điều kiện sống còn để nhóm tồn tại, nhằm mục đích hủy diệt toàn bộ hoặc một phần nhóm đó.
  • Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh nở trong nhóm.

Tất cả những điều này đều được ĐCSTQ thực hiện đối với các thành viên của Pháp Luân Công. Hơn nữa, ĐCSTQ đã sử dụng vũ khí tình báo và ngoại giao cũng như khả năng thâm nhập mạng xã hội của mình để săn lùng người tập Pháp Luân Công ngay cả sau khi họ đã trốn khỏi Trung Quốc để sống yên bình ở nước ngoài.

ĐCSTQ ngấm ngầm nhắm vào người tập Pháp Luân Công để nuôi dưỡng ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng bí mật đang phát triển ở Trung Quốc, coi họ là những người “hiến” các cơ quan nội tạng quan trọng, vì họ được biết là có lối sống lành mạnh, điều đó đảm bảo nội tạng của họ có giá trị trên thị trường. ĐCSTQ không phải là kẻ duy nhất thực hiện hoạt động này; chính quyền ở Kosovo cũng có liên quan đến các hoạt động bắt cóc và “giết người để lấy nội tạng” như vậy ở vùng Balkan và Ý.

“Tội ác” mà Pháp Luân Công bị ĐCSTQ Trung Quốc cáo buộc là “chống lại Đảng”. Nó khiến họ trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Nhưng “tội ác” này chỉ đơn thuần là việc các tín đồ có suy nghĩ độc lập khác với ĐCSTQ, và đó là thước đo cho sự bất an của những người cộng sản. ĐCSTQ coi việc người tập Pháp Luân Công từ chối quỳ lạy là mối đe dọa đối với tính hợp pháp của nó. Chủ nghĩa hòa bình và độc lập của nhóm này tương phản rõ rệt với chế độ chuyên quyền và chuyên chế của ĐCSTQ. Pháp Luân Công nêu bật thực tế rằng ĐCSTQ chưa bao giờ được người dân Trung Quốc bầu lên làm lãnh đạo và nó thiếu “khế ước xã hội” với người dân Trung Quốc.

Ngày nay, 90 năm sau thảm họa diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã, người ta vẫn chỉ trích các nước phương Tây đã từ chối cho người Do Thái tị nạn, khiến họ phải bỏ mạng trong các trại tử thần của Đức Quốc Xã. Các chính trị gia hiện vẫn phải hổ thẹn vì từ chối thừa nhận rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tham gia vào cuộc diệt chủng chống lại công dân Armenia của mình trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20.

Và ít có người sử dụng cụm từ “diệt chủng” để mô tả những gì đã xảy ra với người Amhara và Afar ở Ethiopia trong những năm gần đây, gây ra bởi các cường quốc khu vực ở vùng Oromo và Tigray của Ethiopia. Chúng ta đã cẩn thận định nghĩa nạn diệt chủng nhưng sau đó lại từ chối nhìn thấy cụm từ đó trên khuôn mặt, thân thể và những ngôi nhà trống rỗng của các nạn nhân.

Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây
Ảnh chụp tấm bia “Never Again!” (Không bao giờ nữa!) viết bằng nhiều ngôn ngữ ở trại tập trung Dachau tại Đức như một lời thề không thờ ơ của nhân loại trước những tội ác chống lại loài người. (Ảnh: Forrest R. Whitesides, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Diệt chủng là một vết nhơ trong lương tâm của toàn nhân loại – không chỉ riêng với những kẻ gây ra tội ác. Đó là điều mà tất cả các dân tộc trên thế giới có nghĩa vụ phải ngăn chặn theo các quy định nghiêm ngặt của Liên Hợp Quốc. Và ngày nay ít ai có thể nói rằng họ không biết gì về nạn diệt chủng xảy ra ở Trung Quốc đối với người tập Pháp Luân Công, cũng như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

ĐCSTQ đã định nghĩa rằng “Trung Quốc mới” phản ánh suy nghĩ của những kẻ độc tài lãnh đạo Đảng, và phiên bản suy nghĩ hiện đang được chấp nhận là “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Các phương tiện truyền thông và chính trị gia thế giới cũng như các cơ quan tình báo thế giới đã có gần một phần tư thế kỷ – chính xác là 24 năm, tính đến ngày 20 tháng 7 năm 2023 – để chứng kiến một ví dụ nổi bật về cách ĐCSTQ đàn áp chính công dân của mình trong một thời gian dài vì tín ngưỡng của họ. Đây là một ví dụ cụ thể và phù hợp với định nghĩa về diệt chủng. ĐCSTQ bắt đầu đặt Pháp Luân Công ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1999 vì môn này ngày càng phổ biến và nó vi phạm chính sách vô thần của ĐCSTQ. Nhưng ĐCSTQ không thực hành chủ nghĩa vô thần. Nó thực hành một tôn giáo: tôn thờ ĐCSTQ và sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

ĐCSTQ, sau khi bắt đầu xác định Pháp Luân Công là kẻ thù của nhà nước cộng sản, đã không thể rút lại phán quyết này nếu không thừa nhận hành vi của nó là sai trái. ĐCSTQ đã tự dồn mình vào tình thế không thể quay lại. Nhưng đó không phải là lý do để các chính phủ nước ngoài, và quan trọng hơn là các cá nhân và tập đoàn nước ngoài, ủng hộ chế độ ĐCSTQ diệt chủng.

Nhiều thập kỷ trôi qua từ sau cuộc diệt chủng Do Thái, người ta tin rằng nếu lúc đó chúng ta biết về các trại tập trung của Đức Quốc Xã, thế giới sẽ ngừng giao dịch với họ. Nhưng ngày nay chúng ta có bằng chứng thuyết phục cho thấy thực tế là có nhiều nước trên thế giới, dù biết về tội ác của Adolf Hitler, vẫn kiềm chế không đối đầu với ông ta cho đến khi ông ta đưa nước Đức tuyên chiến với quân Đồng minh.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới, một thế giới còn gắn chặt hơn với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kim tiền, so với thế giới vào cuối những năm 1930. Vì vậy, ngày nay, chúng ta đã hợp lý hóa sự vô đạo đức của mình bằng cách nói rằng việc ấy mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Và chúng ta bịt tai trước tiếng kêu khóc của các nạn nhân. Trong xã hội hiện đại, chúng ta đã trở nên vô cảm hơn với sự bạo ngược trên diện rộng – nạn diệt chủng – hơn cả ông bà của chúng ta.

Câu hỏi là liệu phương Tây có thể lấy lại phẩm giá và sự cao quý của mình hay không – và nhờ vậy mà lấy lại được sức hấp dẫn trước đây của nó đối với một thế giới đang gặp khó khăn – bằng cách kiên quyết chống lại nạn diệt chủng Pháp Luân Công. Bằng cách làm như vậy, phương Tây cũng sẽ mở rộng tầm mắt để thấy nạn diệt chủng đang được tiến hành nhắm vào các dân tộc khác ở Trung Quốc, Châu Phi, vùng Balkan và những nơi khác.

Việc ủng hộ Pháp Luân Công có thể gây ra sự mất mát doanh thu ngắn hạn từ nền kinh tế cộng sản vốn đã sụp đổ ở Trung Quốc, nhưng chúng ta sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng việc kêu gọi đạo đức của phương Tây.

Câu hỏi không chỉ là liệu chúng ta có thể cứu được người tập Pháp Luân Công hay không, mà là liệu chúng ta có thể tự cứu mình bằng cách đưa tay ra giúp đỡ họ hay không.

Sự khao khát những “đồng tiền máu” của ĐCSTQ của các nhà lãnh đạo thế giới, các CEO và giới tài chính Phố Wall là không có giới hạn.

Họ không cảm thấy xấu hổ khi im lặng và chấp nhận những hành động tàn bạo và tội ác chống lại loài người, cưỡng bức thu hoạch nội tạng, đàn áp và diệt chủng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.

Có lẽ phương Tây chúng ta nên nhìn vào bản thân trước? Đúng, ở đây chúng ta không giết người, chúng ta chỉ khiến người ta mất việc làm, phá sản, bỏ tù vài năm vì “đưa thông tin sai lệch”, hay làm người ta cả đời nghèo khó. Chúng ta làm thế với một số người [dân của chúng ta], những người có đủ can đảm để nói không với phe cực tả cấp tiến.

Nhưng, dù sao thì, hãy lên lớp Trung Quốc…

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Tác giả: Gregory Copley
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời nghe radio: