Một phát ngôn viên của chính phủ Taliban thông báo hôm 20/12, nữ sinh viên ở Afghanistan sẽ bị cấm vào các trường đại học tư và công. Đây là sắc lệnh mới nhất nhằm vào các quyền và tự do của phụ nữ; sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi có thông báo mới.

Embed from Getty Images

(Một lớp học tại Afghanistan/Ảnh minh họa: Getty Images)

Mặc dù ban đầu chính quyền Taliban đã hứa hẹn về các quy tắc ôn hòa hơn, trong đó tôn trọng quyền phụ nữ và các tộc người thiểu số, tuy nhiên trên thực tế họ đã triển khai luật Hồi giáo, hay Sharia theo cách hiểu của họ một cách rộng rãi.

Chính phủ Taliban đã cấm các bé gái học cấp 2 và cấp 3, không cho phép hầu hết phụ nữ đi làm và bắt buộc họ mặc quần áo kín từ đầu đến chân ở nơi công cộng. Phụ nữ cũng bị cấm đến công viên và phòng tập thể dục.

Taliban đã bị lật đổ vào năm 2001 bởi một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vì chứa chấp thủ lĩnh al-Qaida Osama bin Laden, tuy nhiên đã trở lại nắm quyền sau đợt rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Quyết định được công bố sau một cuộc họp của chính phủ. Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Bậc cao Ziaullah Hashmi đã yêu cầu các trường đại học tư thục và công lập thực hiện lệnh cấm càng sớm càng tốt và báo lại cho Bộ ngay khi lệnh cấm được triển khai.

Ông Hashmi đã tweet về bức thư và xác nhận nội dung của nó trong một tin nhắn gửi cho tờ Associated Press mà không cung cấp thêm chi tiết.

Quyết định này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực của Taliban nhằm giành được sự công nhận từ các nhà tài trợ quốc tế tiềm năng, vào thời điểm Afghanistan đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ. Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Taliban mở lại trường học và cấp quyền cho phụ nữ đến những nơi công cộng.

Lệnh cấm tại các trường đại học được đưa ra vài tuần sau khi các nữ sinh Afghanistan thi tốt nghiệp trung học, mặc dù họ đã bị cấm đến lớp kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước vào năm ngoái.

“Tôi không thể thực hiện được ước mơ, hy vọng của mình. Mọi thứ đang biến mất trước mắt tôi và tôi không thể làm được gì,” một sinh viên báo chí và truyền thông năm thứ ba tại Đại học Nangarhar chia sẻ. Cô không muốn tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.

“Là nữ giới có phải là cái tội không? Nếu đúng như vậy, tôi ước mình không phải là con gái. Bố tôi có ước mơ rằng con gái ông sau này sẽ trở thành một nhà báo tài năng. Điều đó bây giờ đã bị hủy hoại. Do đó, các vị hãy nói cho tôi biết, người ta sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống này?”

Tuy nhiên sinh viên này khẳng định cô vẫn chưa hết hy vọng.

“Chúa luôn sẵn lòng, tôi sẽ tiếp tục việc học của mình bằng mọi cách. Tôi đang bắt đầu học trực tuyến. Và nếu nó không hiệu quả, tôi sẽ phải rời khỏi đất nước này và đến một quốc gia khác.”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quy định này, gọi đây là một “lời hứa thất hứa” khác của Taliban và là một động thái “rất đáng lo ngại”.

“Thật khó để tưởng tượng làm thế nào một quốc gia có thể phát triển, có thể đối phó với tất cả những thách thức mà nó gặp phải nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ và giáo dục,” ông Guterres phát biểu.

Ông Robert Wood, phó đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố, Taliban không thể mong đợi trở thành thành viên hợp pháp của cộng đồng quốc tế cho đến khi họ tôn trọng quyền của tất cả người dân Afghanistan.

Vị trí của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc vẫn thuộc về chính phủ trước đây do cựu Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo. Taliban đã yêu cầu đại diện cho Afghanistan tại Liên Hợp Quốc, tuy nhiên yêu cầu này gần đây đã bị hoãn lại.

Đại biện lâm thời của Afghanistan, ông Naseer Ahmed Faiq phát biểu tại Liên Hợp Quốc rằng quy định này “đánh dấu một mức tệ hại mới trong việc vi phạm hầu hết các quyền cơ bản và phổ quát của con người đối với toàn thể nhân loại.”

Vy An (Theo Newsmax)