Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 16/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 490.407 ca mắc COVID-19 mới và 6.851 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 188.966.114 ca, trong đó có khoảng 4.058.420 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Ngày 16/7, thế giới có tới 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.238 ca tử vong trong tổng số 34.919.774 ca nhiễm. Trong bối cảnh số ca mắc mới có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhiều thành phố lớn ở nước này, trong đó có Los Angeles, đã siết chặt các quy định phòng dịch.

Theo đó Los Angeles đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong cửa hàng, nhà hàng và nơi công sở từ 0h ngày 18/7 (giờ địa phương) và quy định này sẽ có hiệu lực với cả những người đã tiêm chủng đủ liều. Trong 24 giờ qua, thành phố này đã ghi nhận 1.537 ca mắc mới COVID-19 – mức cao nhất theo ngày kể từ đầu tháng 3 vừa qua và là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới trên mốc 1.000 ca.

Tại Hàn Quốc, nước này cũng đang tiến tới mùa Hè đại dịch COVID-19 thứ 2 khi số ca nhiễm mới hằng ngày luôn ở mức cao trong suốt tuần qua. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.536 ca nhiễm mới COVID-19 mới, bao gồm 1.476 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc trên ngưỡng 1.000 ca và gần 70% trong số đó ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thực hiện “bán phong tỏa” khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận khi áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 4 (mức cảnh báo cao nhất), có hiệu lực trong 2 tuần kể từ ngày 12/7 vừa qua.

Tại Nhật Bản, trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa Olympic Tokyo 2020 sẽ khai mạc, Chính phủ đã yêu cầu Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo phạt thành viên các đoàn thể thao nước ngoài, bao gồm các vận động viên (VĐV) và quan chức thể thao, không tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19. Hiện tình hình dịch bệnh tại Tokyo đang diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, thành phố này đã ghi nhận thêm 1.308 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 21/1 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 ở Tokyo vượt ngưỡng 1.300 ca/ngày và là ngày thứ 26 liên tiếp số ca mắc mới ở đây tăng so với tuần trước đó.

Tại Indonesia, ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Đầu tư, ông Luhut Pandjaitan cho biết chính phủ nước này chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi số ca mắc mới COVID-19 lên đến 100.000 ca/ngày.

Indonesia bắt đầu tiêm bổ sung liều vắc-xin COVID-19 thứ 3 cho các nhân viên y tế bằng vắc-xin của công ty dược Moderna.

Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết chương trình được tiến hành thử nghiệm với 50 giáo sư Khoa Y thuộc Đại học Indonesia (FKUI) và một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa trung ương Cipto Mangunkusumo ở thủ đô Jakarta. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Budi cho hay nếu thử nghiệm thành công, chương trình tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế sẽ được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Ông Budi hy vọng rằng việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 có thể giúp tăng cường bảo vệ và giúp các nhân viên y tế an tâm hơn trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Ông cho rằng chương trình này sẽ dễ triển khai hơn do đối tượng tiếp nhận vắc-xin đều làm việc tại các cơ sở y tế và Indonesia có thể hoàn tất tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế.

Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vắc-xin COVID-19 trong đó chủ yếu dựa vào vắc-xin của công ty Sinovac (Trung Quốc). Mới đây, hơn 350 nhân viên y tế ở huyện Kudus thuộc tỉnh Trung Java của Indonesia được xác nhận mắc COVID-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vắc-xin của Sinovac.

Hôm 27/6, truyền thông quốc tế dẫn nguồn từ một hiệp hội y khoa Indonesia cho biết chỉ trong tháng 6 đã có 26 bác sĩ tử vong vì COVID-19, trong đó ít nhất 10 người được tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin của Sinovac.

Cùng ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Pahala Nugraha Mansury thông báo quốc gia này đã tiếp nhận lô vắc-xin phòng COVID-19 thứ 4 của công ty Sinopharm (Trung Quốc) với tổng cộng 1.408.000 liều dùng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau) do các công ty tư nhân tài trợ.

Tại Thái Lan, ngày 16/7, nước này thông báo ghi nhận 9.692 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 381.907 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Lan, trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm lớn nhất cho đến nay tại nước này. Cũng trong ngày 16/7, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 67 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy đến nay, đã có tổng cộng 3.099 người tử vong do COVID-19  tại Thái Lan.

Cùng với Indonesia, Thái Lan cũng là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin Sinovac, phần lớn nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch của Thái Lan đã tiêm loại vắc-xin này sau tháng 2/2021. Hôm 11/7 vừa qua, Bộ Y tế Thái Lan cho biết rằng hơn 600 nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm 2 liều vắc-xin Sinovac.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: