Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 24/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 395.634 ca mắc COVID-19 mới và 930 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 449.893.327 ca, trong đó có khoảng 5.678.846 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Sergey Bezgodov/Shutterstock)

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 24/4, thế giới có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 52 nước có người tử vong vì căn bệnh này. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 64.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 160 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Zero-COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Zero-COVID linh hoạt”.

Đức: Hầu hết các bang ngừng thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc ở trường phổ thông

Kể từ ngày 25/4, hầu hết các bang ở Đức bắt đầu ngừng thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc tại các trường phổ thông. Đây được xem là một trong những biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 quan trọng cuối cùng được bãi bỏ ở Đức trong tháng này.

Việc xét nghiệm bắt buộc đã được bãi bỏ hoặc kết thúc từ ngày 25/4 ở 6 bang và đến cuối tháng này, thêm 6 bang áp dụng quy định mới là không thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với học sinh. Chỉ còn bang Thuringia sẽ tiếp tục xét nghiệm đối với học sinh cho đến ngày 6/5 và Berlin dự kiến vẫn tiến hành xét nghiệm cho đến khi có thông báo mới. Riêng Hamburg và Saarland, chưa đưa ra quyết định về việc dừng xét nghiệm tính đến tháng 5.

Đầu tháng này, quy định về khẩu trang bắt buộc đã được gỡ bỏ ở hầu hết các trường học, phù hợp với Đạo luật bảo vệ chống lây nhiễm. Mặc dù việc xét nghiệm bắt buộc tại các trường học vẫn có thể thực hiện trên toàn nước Đức, nhưng hầu hết các bang đều dừng thực hiện quy định này. Thay vào đó, việc xét nghiệm tự nguyện hoặc bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp học sinh có các triệu chứng hoặc trở lại trường sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục và Đào tạo (VBE), Udo Beckmann cũng cho rằng các cơ quan chức năng càng phải cân nhắc thận trọng xem liệu việc bãi bỏ quy định đeo khẩu trang và xét nghiệm bắt buộc cùng một lúc có thích hợp hay không. Trước đó, Quốc hội Đức thông báo chấm dứt quy định đeo khẩu trang đối với các nghị sĩ kể từ ngày 25/4.

Theo đó, các chính trị gia sẽ không phải đeo khẩu trang trong nghị trường và quy định 3G (đã tiêm, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính) không còn là bắt buộc trước khi bước vào phòng họp. Tuy nhiên, các nghị sĩ vẫn có thể tiếp tục đeo khẩu trang nếu muốn, đặc biệt ở những nơi không thể duy trì khoảng cách.

Trung Quốc: Thượng Hải ghi nhận thêm nhiều ca tử vong

Ủy ban Y tế quốc gia thông báo thành phố Thượng Hải ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 23/4, con số cao nhất kể từ khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng 4 để ngăn chặn dịch. Với số ca tử vong mới ghi nhận tại Thượng Hải, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc đại lục tăng lên 4.725 người.

Giới chức y tế thành phố Thượng Hải đã nỗ lực nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân thể nặng để giảm tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này. Theo đó, 9 đội ngũ y tế chuyên điều trị các ca bệnh nặng đã được điều động bổ sung cho 8 bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19. Các nhóm này gồm 360 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị tích cực.

Tại Bắc Kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Pang Xinghuo cho biết các quan sát sơ bộ cho thấy dịch đã “lây lan một cách vô hình” trong thủ đô từ một tuần nay, ảnh hưởng đến “các trường học, các nhóm du lịch và nhiều gia đình”.

Thái Lan: 12/77 tỉnh, thành sẽ sớm tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thái Lan thông báo 12/77 tỉnh, thành của quốc gia này sẽ sớm có thể tuyên bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu trước thời hạn đặt ra để chấm dứt đại dịch trên toàn quốc vào tháng 7. Các tỉnh ở Thái Lan sẽ chuyển sang giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu khi tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 0,1% các ca nhiễm trong 2 tuần liên tiếp. Chính phủ Thái Lan đã ấn định thời hạn chót là ngày 1/7 để tuyên bố chấm dứt đại dịch. Quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu ở Thái Lan gồm 4 giai đoạn: Chiến đấu (cấp độ 4) từ 12/3 đến đầu tháng 4, Bình ổn (cấp độ 3) từ tháng 4 đến tháng 5, Suy giảm (cấp độ độ 2) từ cuối tháng 5 đến tháng 6 và Hậu đại dịch (cấp độ 1) từ ngày 1/7 trở đi.

Ngoài 12 tỉnh trên, hiện Thái Lan có 21 tỉnh đang ở cấp độ 4 và 44 tỉnh đang ở cấp độ 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn quốc vẫn tăng mặc dù số ca nhiễm có khả năng giảm xuống. Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc hiện nay là 0,31%. Thái Lan sáng 24/4 ghi nhận thêm 17.784 ca mới cùng 126 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.165.874 ca và 27.775 ca.

Phan Anh (tổng hợp)

Tài xế Trung Quốc bất lực khi xe bị niêm phong, quấn dây sắt để cách ly