Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 28/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca mắc COVID-19 mới và 8.300 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 210.679.789 ca, trong đó có khoảng 4.303.123 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Timothy Lau/Shutterstock)

Các quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 47.000 ca), Ấn Độ (45.058 ca) và Anh (32.456 ca).

Các quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (863 ca), Nga (799 ca), Iran và Brazil (cùng có 614 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39,5 triệu ca mắc và khoảng 654.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32,6 triệu ca mắc và 437.860 ca tử vong; Brazil với 20,7 triệu ca mắc và 579.010 ca tử vong.

Trước lo ngại về biến thể Delta có thể đảo ngược thành quả phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang lên kế hoạch triển khai tiêm liều vắc-xin bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của biến thể có khả năng lây nhiễm cao này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của việc tiêm liều vắc-xin thứ 3. Đến nay, các nhà sản xuất vắc-xin đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm liều bổ sung.

Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng, “có khả năng” người dân sẽ cần đến liều vắc-xin thứ 3 trong vòng từ 6-12 tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ. Sau đó, vắc-xin sẽ được tiêm chủng hàng năm. Tuy nhiên, tất cả những khả năng này phải xác nhận qua nghiên cứu thực tế, trong đó các biến thể virus sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cuối tháng trước cho biết hãng dược phẩm này chưa có câu trả lời chính xác cho việc cần thiết phải tiêm liều thứ 3 hay không.

Úc: Số ca mắc mới ở Sydney vẫn tăng cao sau 9 tuần phong tỏa

Sau 9 tuần phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ 3, bang New South Wales (NSW), nơi có thủ phủ là thành phố Sydney sầm uất nhất Úc, vẫn đang phải chứng kiến số ca mắc mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8.

Trong năm nay, bang NSW với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Úc, đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất của bang, bắt đầu từ ngày 16/6.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cho biết tỷ lệ lây nhiễm thực tế (Reff) ở bang đang ở mức 1,3. Điều này có nghĩa là cứ 10 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, sẽ có khoảng 13 người khác bị nhiễm bệnh. Một khi Reff duy trì trên 1, số ca mắc hằng ngày sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Phát biểu với đài ABC, Giáo sư Catherine Bennett, Chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin, cho biết lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế xã hội được áp dụng nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus và giảm Reff xuống dưới 1 nhưng mục đích này chưa đạt được do biến thể Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn ít nhất 2 lần so với các biến chủng trước đó, khiến khó kiểm soát dịch bệnh hơn. Ngoài việc dễ lây lan hơn và lây lan nhanh hơn, Giáo sư Bennett còn cho rằng nhiều người nhiễm virus lại không có triệu chứng trong vài ngày trước khi biết mình đang lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho nhiệm vụ truy vết người tiếp xúc trở nên vô cùng khó khăn.

Đức: Hàng nghìn người biểu tình phản đối các hạn chế COVID-19

Hôm 28/8 vừa qua, hàng nghìn người đã biểu tình tại Berlin, trong đó hô vang các khẩu hiệu và giơ những tấm áp phích với nội dung phản đối các hạn chế COVID-19 như: “Tôi có quan điểm của riêng mình”, hay “COVID-84” (ám chỉ cuốn sách có tên “1984” của Geogre Orwell viết về chế độ độc tài).

Để thúc đẩy nhiều người đi tiêm chủng hơn nữa, chính phủ cho biết họ sẽ ngừng cung cấp việc xét nghiệm miễn phí từ ngày 11/10, ngoại trừ những đối tượng không được khuyến nghị tiêm chủng.

Chính phủ Đức yêu cầu người dân phải tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc có giấy chứng nhận phục hồi COVID-19 thì mới được vào các nhà hàng trong nhà, tham gia các nghi lễ tôn giáo hoặc chơi thể thao trong nhà.

Nga: Số ca tử vong cao hơn so với thống kê

Tại Nga, Cơ quan thống kê liên bang Rosstat ngày 27/8 cho biết nước này ghi nhận 50.421 ca tử vong vì COVID-19 trong tháng 7 vừa qua, cao hơn gấp đôi con số chính thức mà chính phủ đưa ra (với 23.349 ca).

Nguyên nhân khiến con số chênh lệch như vậy là vì chính phủ Nga chỉ tính những trường hợp tử vong do COVID-19 sau khi khám nghiệm tử thi, trong khi Rosstat công bố số liệu tổng hợp hơn về số ca tử vong liên quan đến virus corona. Theo đó, số liệu của Rosstat cho thấy đến nay, Nga có tổng cộng trên 350.000 người không qua khỏi vì dịch bệnh này, trong khi con số của chính phủ thấp hơn nhiều với 180.041 ca. Nga là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số ca bệnh và hiện đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: