Trong một bài đánh giá gần đây về bộ phim “Barbie”, thượng nghị sĩ Ted Cruz đến từ tiểu bang Texas đã chỉ trích bộ phim hùa theo các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, truyền bá “tuyên truyền cộng sản” (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) vào các cô gái trẻ thông qua việc miêu tả một khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

shutterstock 2329135523
Biển quảng cáo bộ phim “Nàng Barbie” của Warner Bros. Pictures tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 8/7/2023. (Ảnh: rblfmr / Shutterstock)

“Trong bộ phim Nàng Barbie có một cảnh, trong đó có một tấm bản đồ thế giới và nó được vẽ bằng bút chì màu. Ý tôi là, nó thực sự là một phim hoạt hình rất đơn giản. Và họ có thứ hình khối gọi là ‘Châu Á’. Sau đó họ vẽ cái gọi là đường chín đoạn,” Thượng nghị sĩ Cruz nói trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Signal vào Chủ nhật (ngày 16/7).

“Đây là tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Theo luật pháp quốc tế, họ không có bất kỳ quyền lợi nào ở đó, nhưng họ đang cố gắng tước đoạt quyền đó từ các nước láng giềng”, ông Cruz nói thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên vị thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa Texas này bình luận về bộ phim “Nàng Barbie”. Trước đó ông Cruz đã chỉ trích bộ phim trên podcast của ông và trên Twitter.

Ngày 7/7, ông Cruz nói trên trên podcast “Phán quyết của Ted Cruz” (Verdict with Ted Cruz) rằng: “Chúng tôi đã thấy một mô hình tiếp tục của các bộ phim Hollywood khom lưng uốn gối trước Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

“Họ nhận ra rằng việc lặp đi lặp lại những gì làm hài lòng ĐCSTQ và Chính phủ ĐCSTQ sẽ làm tăng cơ hội chính phủ cho phép bán bộ phim ở Trung Quốc.”, “Nhưng tôi không thể không nói, thật đáng xấu hổ khi thấy Hollywood đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.”

Đường chín đoạn của Trung Quốc, vạch ra các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, bao trùm hầu hết khu vực này. Vào tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã phát hiện ra rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Phán quyết của tòa không ngăn được Trung Quốc kiểm soát khu vực này. Trung Quốc đã thiết lập 20 tiền đồn ở quần đảo Hoàng Sa.

Mỹ không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng triển khai các hoạt động hải quân định kỳ trong khu vực.

Trong một tuyên bố ngày 20/1/2022, Hải quân Mỹ cho biết: “Mỹ đang bảo vệ quyền lợi được bay, đi thuyền và hoạt động của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế, như tàu USS Benford đã làm trong tuần này. Bất cứ ngôn luận nào của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều không thể ngăn chặn chúng tôi.”

“Các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và kinh doanh không bị cản trở, cũng như cơ hội tự do kinh tế của các quốc gia ven biển Đông”, Hải quân Mỹ cho biết thêm.

Việc bộ phim “Nàng Barbie” mô tả các khu vực tranh chấp ở Biển Đông cũng đã gây ra tranh cãi ở Việt Nam và Philippines. Việt Nam cấm bộ phim, trong khi cơ quan kiểm duyệt Philippines yêu cầu nhà phân phối của bộ phim, Warner Bros, “làm mờ các dòng gây tranh cãi để tránh hiểu lầm thêm”.