Vùng đất Nam bộ trước kia là người Khmer sinh sống, rất nhiều địa danh được người Khmer đặt tên, người Việt phát âm lại, vì thế mà đến nay khi nghe gọi các địa danh này chẳng còn mấy ai hiểu được nguồn gốc ý nghĩa nữa.

Sa Đéc

Thành phố Sa Đéc ở tỉnh Đồng Tháp được xem là thủ phủ của hoa với làng hoa Sa Đéc nổi tiếng. Xưa kia người Khmer gọi nơi đây là Phsar Dek.

Tương truyền Phsar Dek là một thiếu nữ tuyệt sắc trong vùng, vì mối tình chia cắt không thành nên quyết định cắt tóc đi tu, sau đó lại quyết định trở về nơi đây để lập chợ, hình thành một khu vực buôn bán đông đúc.

Nhiều người cùng kể lại với nhau rằng mỗi khi gặp nguy nan như nước lũ hay giông bão thì Phsar Dek luôn xuất hiện độ trì, vì thế mà người dân đặt tên cho vùng đất này là Phsar Dek, người Việt phát âm thành Sa Đéc.

Mỹ Tho

Mỹ Tho là thành phố thuộc tỉnh Tiền Giang. Xưa kia người Khmer gọi nơi đây là Mi Sâr, người Việt phát âm thành Mỹ Tho.

Dù nơi đây có tên là Mi Sâr, nhưng các tài liệu xưa cho thấy người dân quen gọi nơi đây là “Srock Mỳ Xó” nghĩa là “xứ nàng trắng” có lẽ do nơi đây phụ nữ thường có da trắng.

Bạc Liêu

Bạc Liêu là một tỉnh ở Nam bộ. Xưa kia người Khmer gọi nơi đây là Po-Loeuth, người Việt đọc là Bạc Liêu. Xưa kia nơi đây có nhiều cây da nên người Khmer gọi là Po-Loeuth (nghĩa là cây da to lớn). Người nam bộ xưa kia hay gọi là “cây da” chứ không gọi là “cây đa”.

Sóc Trăng

Sóc Trăng là một tỉnh thuộc Nam bộ, nằm ở hạ lưu sông Hậu. Xưa kia người Khmer gọi nơi đây là Srok Kh’leang nghĩa là kho chứa bạc của nhà Vua, do nơi đây từng là vùng đất giàu có. Người Việt phiên âm đọc thành Sốc Kha Lang, rồi theo thời gian đọc thành Sóc Trăng.

Bến Tre

Nguồn gốc tên gọi các địa danh ở Nam bộ (P1)
Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu ỡ Ba Tri, Bến Tre. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Xưa kia nơi đây có nhiều tôm cá nên người Khmer gọi là Srok Treay, “Srok” “xứ”, “Treay” nghĩa là “cá”. Sau này người Việt đến đây thì gọi “Srock” thành “Bến”, còn “Treay” thì đọc thành “Tre” cho dễ nhớ, từ đó gọi thành Bến Tre.

Trà Vinh

chua kompong
Chùa Kompong Ksan của người Khner ở trung tâm thành phố Trà Vinh. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trà Vinh được xem là đô thị xanh của Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cây xanh đa dạng phủ kín các tuyến đường. Xưa kia người Việt gọi là Trà Vang. Vào năm 1911, Hội nghiên cứu Đông Dương xuất bản quyển “Monographie de la Province de Vinh Long, Tra Vinh” (chuyên khảo về tĩnh Vĩnh Long, Trà Vinh) có chép rằng:

“Trà Vang là chữ đọc trại của từ Khmer “Prắc Prabăng”, nghĩa là “Ao Phật”, nằm ở làng Đôn Hóa, trong tổng Trà Phú, các tỉnh lỵ 6km. Cạnh ao này có một ngôi chùa được dựng lên để kỷ niệm một lễ lớn có từ ngày xưa. Tương truyền, có một vị vua Khmer bị đắm thuyền trên bờ địa hạt, và được cứu sống nhờ ơn của đức Phật. Vì không có chữ Hán nào phiên âm được hai từ trên, nên đã dùng chữ “Trà” thay cho chữ “Prắc” và chữ “Vang” thay cho chữ “Băng”, từ đó ra chữ “Ravang” (hay Trà Vang), về sau viết thành Trà Vinh.”

Còn trong dân gian lưu truyền rằng xưa kia có một trận lụt lớn, một tượng Phật trôi theo dòng nước đến ao, người Khmer liền rước Phật rồi xây chùa nơi đây để thờ tượng Phật.

Ngôi chùa này được đặt tên là Bodhisalareaj, nay gọi là chùa Ông Mẹt (nằm ở phường 1, TP.Trà Vinh), tên vị sư trụ trì đầu tiên là Trapéang. Người Khmer thường gọi nơi đây Trapéang, sau đó người Việt đọc theo âm Hán – Việt hóa là Trà Vang. Tên gọi Trà Vang rất thịnh hành, sau đó đọc chệch dần đi thành Trà Vinh.

Đồng Tháp Mười

Nguồn gốc tên gọi các địa danh ở Nam bộ (P1)
Tượng vua Jayavarman VII tại Hoàng Cung Campuchia. (Ảnh: Phan Minh Châu, Wikipedia, Public Domain)

Đồng Tháp Mười còn lưu giữ nhiều di tích thuộc văn hóa Óc Eo của Đế quốc Phù Nam xưa kia. Sau này Đế quốc Phù Nam bị người Khmer đánh bại và cai quản. Vua Jayavarman VII trị vì Đế quốc Khmer bắt đầu từ năm 1181 sau khi đánh bại cuộc xâm lăng của Chiêm Thành. Vua là người có tín ngưỡng và xây dựng rất nhiều các đền đài.

Vua cho xây dựng khắp nước các tháp bằng dá để thờ vị thần chuyên trị bệnh của nhân loại. Bên cạnh tháp đá có những căn nhà gỗ lợp bằng ngói hay bằng lá thốt nốt, để cho người bệnh nằm dưỡng bệnh, có nhân viên y tế hoàng triều coi sóc.

Tháp đá ở Đồng Tháp Mười là tháp thứ mười, vì thế mà nơi đây được gọi là Đồng Tháp Mười.

Qua nhiều thế kỷ công trình này đã bị tàn phá, dãy nhà gỗ để người bệnh nằm đã không còn, tháp đá cũng bị phá hủy, chỉ còn lại bệ đá có khắc chữ Phạn: “Tháp thứ mười”.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: