Được lấy vua và phong làm phi tần là mơ ước của nhiều người, nhưng không phải ai cũng vậy. Có người con gái dù không muốn mà đành chấp nhận lấy Vua vì đại nghĩa, đó là trường hợp của Đặng Thị Thúy Hạnh.

Đặng Thị Thúy Hạnh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Xuất thân

Theo “Đặng gia tộc phả”, ông tổ họ Đặng là Đặng Lộ ở vùng Sơn Minh, Sơn Nam (nay là huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Từ bé Đặng Lộ đã nổi tiếng hay chữ khắp vùng, ông làm quan dưới thời vua Trần Minh Tông và được xem là nhà thiên văn học đầu tiên của Việt Nam.

Sau này con trai của Đặng Lộ là Đặng Bá Kiển quyết định dời khỏi kinh kỳ Thăng Long đến Nghệ An. Ông có người con trai trưởng là Đặng Bá Tĩnh khôi ngô học giỏi, thi đỗ Thám hoa làm quan to đến chức Hành khiển.

Đặng Tất là cháu nội của Đặng Bá Tĩnh, là người học giỏi có tiếng, thi đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) được bổ nhiệm làm Tri phủ Hoá châu (Quảng Trị ngày nay) vào năm 1391.

Năm 1402, Hồ Hán Thương đưa quân đánh Chiêm Thành. Do yếu thế hơn, Chiêm Thành phải dâng vùng đất Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (phía bắc Quảng Ngãi) để xin nghị hòa. Nhà Hồ tiếp quản vùng đất này và lập thành 4 phủ là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Lấy tên gọi là lộ Thăng Hoa.

Nguyễn Cảnh Chân được cử làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, còn Đặng Tất được bổ làm Đại tri châu Thăng Hoa. Hai ông là bạn thân của nhau.

Đặng Tất có người con gái út duy nhất là Đặng Thị Thúy Hạnh, vì mẹ mất sớm nên được cha và các anh vô cùng yêu quý. Lớn lên Thúy Hạnh là người xinh đẹp nết na có tiếng. Vì sinh ra trong gia đình nhà tướng nên Thúy Hạnh biết cưỡi ngựa, biết võ nghệ, thuộc lòng kinh sử, văn từ trôi chảy.

Giản Định Đế cùng ước mong khôi phục nhà Trần

Trong cuộc chiến chống quân Minh, cha con Hồ Quý Ly không chống nổi và bị quân Minh bắt vào tháng 6/1407.

Cũng năm 1407, con thứ của vua Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi dấy binh ở Yên Mô (Ninh Bình), lên ngôi Vua hiệu là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần. Quân Minh hay tin liền đưa quân tới đánh. Quân Hậu Trần do mới tập hợp nên rất yếu, chỉ một trận đánh đã tan vỡ, Vua phải chạy đến Nghệ An.

Nghe tin, Đặng Tất cho rằng đây là cơ hội tốt để khôi phục nhà Trần. Ông cho giết những viên quan giám sát của nhà Minh ở Hóa châu, rồi đưa hơn 1 vạn quân bản bộ đến Nghệ An, ra mắt Giản Định Đế.

Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép như sau:

Tháng 4, quân Minh đánh vào hành dinh, vì quân mới chiêu tập, không đánh mà tan vỡ. Vua liền đi về phía tây, đến Nghệ An tạm đóng tại đó. Đại Tri châu Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, giết viên quan nhà Minh, đem quân tới hội.

Ngay sau khi Đặng Tất về với nhà Hậu Trần, Nguyễn Cảnh Chân cùng các tướng khác cũng đến Nghệ An theo Giản Định Đế chống quân Minh, khiến nhà Hậu Trần mạnh lên.

Đặng Thị Thúy Hạnh chấp nhận lấy Vua để cha cùng các anh thỏa chí lớn

Đặng Tất và các con đều là tướng tài, tuy nhiên lắm kẻ lòng dạ hẹp hòi đố kỵ, gièm pha ông với Giản Định, khiến Vua nghi ngại không không tin tưởng Đặng Tất lắm.

Đặng Tất mang hoài bão đánh đuổi quân Minh, khôi phục Giang Sơn nhà Trần, nay không được tin dùng thì có phần buồn chán, ông mang chuyện này chia sẻ với các con.

Trước đây Giản Định Đế có lời khen Đặng Tất có người con gái tài sắc. Nay thấy cha buồn vì không được trọng dụng, không được mang tài năng phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc, Đặng Thị Thúy Hạnh liền xin cha để mình tự nguyện nhập cung làm Phi hầu hạ Vua, như vậy cha và anh mới được tin tưởng, mới có cơ hội đánh đuổi quân Minh giúp dân giúp nước.

Nghe vậy Đặng Tất cùng các con trai đều không đồng ý, vì Thúy Hạnh còn tuổi xuân, trong khi Giản Định Đế đã có tuổi lại đã có đến mấy vợ, trong đó có chính phi Đỗ Thị Nguyệt nổi tiếng cay nghiệt ghen tuông, tranh đoạt quyền sủng ái nơi hậu cung.

Tuy nhiên Đặng Thị Thúy Hạnh lòng đã quyết. Đặng Tất đành đồng ý để người con gái yêu nhập cung. Biết tiếng con gái của Đặng Tất nên Giản Định Đế rất vui  mừng phong cho làm Hậu phi.

Sự hy sinh của Thúy Hạnh cũng được đền đáp, Đặng Tất nhận được tin tưởng và được phong làm Quốc Công chỉ huy toàn bộ quân nhà Hậu Trần. Các anh trai như Đặng Dung, Đặng Chủng, Đặng Thiết, Đặng Quang… cũng được phong làm tướng quân, đại thần trong Triều đình nhà Hậu Trần.

Thúy Hạnh vốn là người hay chữ, nên được Giản Định Đế giao cho soạn chiếu chỉ, thư từ. Thúy Hạnh làm rất tốt công việc của mình nên ngày càng được tin tưởng.

Đại thắng quân Minh, tiến đến thành Đông Quan

Nhờ sự huấn luyện của Đặng Tất cùng con trai Đặng Dung mà quân đội nhà Hậu Trần ngày càng thêm mạnh và có kỷ luật, chuẩn bị cho cuộc chiến đánh quân Minh.

Quân đã mạnh, Đặng Tất cho quân đánh chiếm toàn vùng Nghệ An, Diễn Châu rồi tiến đánh chiếm Thanh Hóa. Dân chúng các nơi nô nức hưởng ứng, Đặng Tất chuẩn bị cho quân tiến đánh thành Đông Quan (tức thành Thăng Long, thời nhà Hồ gọi là thành Đông Đô, thời thuộc Minh gọi là thành Đông Quan).

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:

Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô (sử ghi tên gọi thành Thăng Long thời nhà Hồ). Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành (nay thuộc Ninh Bình), các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất chọn những người có tài đều trao cho quan chức.

Đặng Tất đưa quân đánh chiếm ngoại ô phía nam Đông Quan, nhà Minh vội cử Mộc Thạnh làm Tổng binh đưa 5 vạn binh tiếp viện, kết hợp với 5 vạn quân ở Giao Chỉ là 10 vạn quân đánh nhà Hậu Trần.

Giản Định Đế hẹp hòi giết chết tướng tài

Quân nhà Hậu Trần có 6 vạn quân do Đặng Tất chỉ huy. Trận chiến quyết định diễn ra tại Bô Cô. Đặng Tất với tài cầm quân thao lược của mình đã đánh tan 10 vạn quân Minh tại Bô Cô. Tổng binh Mộc Thạnh phải nhờ đám tàn quân mở đường máu chạy thoát đến thành Cổ Lộng gần đấy.

Quân Hậu Trần đánh tan toàn bộ 10 vạn quân Minh, nhưng chỉ thiêt hại hơn 1 vạn quân. Quân Minh chỉ còn một ít quân ở Đông Quan và đám tàn quân ở Cổ Lộng. Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân muốn đưa quân đến đánh thành Cổ Lộng để diệt kẻ chỉ huy là Mộc Thạnh trước. Quân Minh mất chủ tướng sẽ như rắn mất đầu, như thế việc đánh thành Đông Quan sẽ dễ dàng hơn.

Thế nhưng Giản Định Đế sau chiến thắng lớn, lại chỉ muốn tiến ngay chiếm thành Đông Quan, lên ngôi Vua, bố cáo thiên hạ. Sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục ghi chép rằng Giản Định Đế nói: “Bây giờ nhân thế chẻ tre, đánh quét một trận ruổi dài, làm cho chúng không kịp bịt tai khi gặp sét đánh mạnh, rồi ta tiến lên lấy thành Đông Đô, thì thế nào cũng phá được”.

Không thống nhất kế sách đánh Minh, mâu thuẫn giữa Giản Định Đế với Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất nổ ra. Lợi dụng lúc này, đám người ghen ghét không ưa Đặng Tất nói rằng: “Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi, sau này khó lòng kiềm chế.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Giản Định Đế mê muội nghe theo, cho gọi Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến. Hai người vào đến nơi thì bị võ sĩ xông ra, Đặng Tất bị bóp cổ đến chết, Nguyễn Cảnh Chân chạy thoát ra ngoài cũng bị đuổi theo và chém chết.

Đặng Tất từ ngày theo về với nhà Hậu Trần cầm quân đánh đâu thắng đó, phá giặc mạnh, công cuộc đánh đuổi quân Minh, khôi phục nhà Trần có cơ thành hiện thực. Tiếc rằng Giản Định Đế hẹp hòi  mê muội muốn lên ngôi Vua sớm mà giết tướng tài, khiến việc khôi phục nhà Trần không thành.

Cùng các anh phò giúp nhà Hậu Trần chống quân Minh

Con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân Nguyễ Cảnh Dị được đa số quân tướng ủng hộ, có thể giết Vua để trả thù cho cha, nhưng họ đã không chọn cách này, mà quyết định ra đi. Hầu hết các tướng sĩ bất bình và không còn tin Giản Định Đế cũng đi theo. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, tìm được Trần Quý Khoáng vốn là cháu nội của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông, tôn làm vua, hiệu là Trùng Quang Đế chống lại quân Minh.

Lúc này ở trong cung số phận Hậu phi Đặng Thị Thúy Hạnh rất nguy hiểm. Chính phi Đỗ Thị Nguyệt tâu với Giản Định Đế rằng: “Đã diệt cha thì chớ nuôi ong tay áo mà nguy hiểm, nên diệt nốt cả ong đi”.

Thế nhưng Thúy Hạnh là người hay chữ, chuyên soạn chiếu chỉ cho Vua mà không ai thay thế được, Giản Định cũng rất yêu quý nên chưa quyết định được nên thế nào.

Thúy Hạnh cũng biết mình ở lại sẽ rất nguy hiểm, có thể bị giết bất kỳ lúc nào. Vì thế Thúy Hạnh tìm cách cướp được ngựa trốn đi, tìm theo các anh của mình, phò tá Trùng Quang Đế. Sau này Giản Định Đế bị quân Minh bắt được và giết chết.

Đặng Thị Thúy Hạnh ở trong quân doanh, giúp anh mình là Đặng Dung việc soạn thảo giấy bút, cũng giúp mưu tính việc quân. Đặng Dung có nhiều trận lấy ít đánh nhiều khiến quân Minh kinh hồn bạt vía.

Đặng Dung chỉ huy quân nhà Hậu Trần, là người dũng mạnh, có mưu lược, nhưng không có tài thao lược bằng cha mình là Đặng Tất. Dù giúp nhà Trần có cơ hộ đánh bại quân Minh, nhưng Trùng Quang Đế lại vẫn cho rằng có thể dựa vào nhà Minh khôi phục lại nhà Trần, vì thế mà dù có cơ hội cũng bị trôi đi mất. (Xem loạt bài về nhà Hậu Trần tại đây)

Năm 1413, Trùng Quang Đế cùng anh em họ Đặng là Đặng Dung, Đặng Thiết, Đặng Noãn… đều bị quân Minh bắt.

Theo ghi chép của Đặng tộc, thì Đặng Thị Thúy Hạnh cùng người anh là Đặng Chủng trốn đến chùa Hương Tích trên đỉnh núi Hồng Lĩnh. Sau đó hai anh em đến đất Vô Điền (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Thế nhưng trên đường đi Thúy Hạnh lâm bệnh nặng và mất tại rú Gâm, tổng Cổ Đạm (nay là xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và được an táng tại đó.

Đến năm 2010, dòng họ Đặng đã cải táng, dời mộ của bà về chân núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, đây là khu vực mà từ xa xưa họ Đặng đã ở.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: