Hồ Quý Ly là người có tinh thần chống phương bắc mà không muốn bị phụ thuộc. Tuy nhiên cuộc chiến chống quân Minh của nhà Hồ bị thất bại vì không được lòng dân. Trong dân gian có lưu truyền câu chuyện hôn nhân kỳ lạ của Hồ Quý Ly với công chúa nhà Trần, sau này được Lê Quý Đôn ghi chép lại trong “Kiến văn tiểu lục”.

Câu chuyện nhân duyên kỳ lạ của Hồ Quý Ly với công chúa nhà Trần
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Khi còn trẻ Hồ Quý Ly theo cha nuôi đi buôn bán các nơi trên biển. Một lần thuyền hàng cập bờ, Hồ Quý Ly tình cờ thấy trên bãi cát có chữ “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai”, trong cung Quảng Hàn có một cành mai. Thấy câu này có ý vị, Quý Ly liền nhẩm thuộc lòng.

Sau này khi đã làm quan trong Triều, một lần vua Trần Nghệ Tông cùng các quan nghỉ mát ở Thanh Thử điện, trong sân có rất nhiều cây quế, Vua ngẫu hứng ra một vế đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”, ngàn gốc quế trước điện Thanh Thử. Các quan lúng túng chưa ai nghĩ ra thì Hồ Quý Ly mang câu viết trên bãi cát năm xưa ra đối lại rất chỉnh:

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế,
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai.

Vế đối chuẩn khiến Vua phải khen nhưng Vua cũng rất ngạc nhiên. Số là Vua có cô em gái, trong hoàng tộc hay gọi tên tự là Nhất Chi Mai, con của vua Trần Minh Tông. Từ nhỏ Nhất Chi Mai đã được vua Minh Tông xây cho cung Quảng Hàn và sống trong đó.

Lớn lên Nhất Chi Mai được phong là công chúa Huy Ninh, gả cho một tôn thất là Trần Nhân Vinh. Sau đó trong loạn Nhật Lễ thì Nhân Vinh bị giết hại, công chúa Huy Ninh để tang chồng đã được 6 tháng tại cung Quảng Hàn. Chuyện này người ngoài không ai biết được, nên Vua càng gặng hỏi.

Quý Ly không dám giấu, kể lại chuyện năm xưa thấy câu đối này trên bãi cát. Vua cho rằng đây là chuyện lạ, hẳn có duyên tiền định nên quyết định gả luôn công chúa Huy Ninh cho Hồ Quý Ly.

Việc vua Nghệ Tông gả công chúa góa chồng cho Hồ Quý Ly cũng được ghi chép trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”:

“Tháng 5, lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm khu mật viện đại sứ. Hai chị em bà cô của Quý Ly, Minh Tông đều lấy làm cung nhân. Một bà sinh ra vua, đó là bà Minh Từ. Một bà sinh ra Duệ Tông, đó là bà Đôn Từ. Cho nên vua khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly. Lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ của tôn thất Nhân Vinh, Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại)”.

Sau khi lấy công chúa, Hồ Quý Ly thăng tiến rất nhanh, đến năm 1400 thì cướp ngôi nhà Trần, lập nhà Hồ. Công chúa Huy Ninh được phong làm chính thất Hoàng hậu và là mẹ của Hồ Hán Thương. Sau này Hồ Quý Ly lên Thượng hoàng thì truyền ngôi Vua lại cho Hồ Hán Thương. 

Thành nhà Hồ
Cổng phía nam thành nhà Hồ. (Ảnh: Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1407, nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đều bị bắt giải sang Trung Quốc, nhưng các nguồn sử liệu không thấy chép về số phận công chúa Huy Ninh.

Có nguồn cho rằng công chúa Huy Ninh bị bắt cùng gia đình sang Trung Quốc. Con của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trưng tham gia chế tạo hỏa khí cho quân Minh, nhờ đó mà gia đình Hồ Quý Ly được yên ổn ở Quảng Tây. Như vậy công chúa Huy Ninh ở Quảng Tây và mất ở đây.

Còn trong cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì có ghi chép sự kiện vào tháng 12/1400, Hồ Quý Ly lên làm Thượng hoàng, truyền ngôi Vua cho con là Hồ Hán Thương, cho Sứ sang nhà Minh nói lý do cướp ngôi là do nhà Trần tuyệt tự, hậu duệ cháu ngoại của Trần Minh Tông là Hồ Hán Thương đã lên ngôi Vua.

“Đại Việt Sử ký Toàn thư” chép rằng:

“Quý Ly sai sứ sang nhà Minh. Trước kia, mẹ Hán Thương là Huy Ninh công chúa (truy tôn là Thái từ hoàng hậu), con gái của Trần Minh Tông, trước đã lấy Phò ký lang Trần Nhân Vinh, Nghệ Tông không cho giữ tiết [để tang chồng], đem gả cho Quý Ly, sinh ra Khâm Thánh hoàng hậu và Hán Thương. Đến đây, sai sứ sang báo nhà Minh, nói rằng họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại Minh Tông, tạm trông coi việc nước”.

“Huy Ninh công chúa (truy tôn là Thái từ hoàng hậu)”.

Vậy thì cũng có thể là thời điểm này công chúa Huy Ninh vừa mất nên mới dùng từ “truy tôn”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: