Thời cổ đại, đỉnh không chỉ là khí cụ chủ yếu dùng để nấu và đựng thức ăn, mà còn là lễ khí dùng để cúng tế thần linh và tổ tiên. Sau này đỉnh còn trở thành vật tượng trưng cho vương quyền.

Đỉnh: Lễ khí cúng tế, khí cụ nấu ăn thời cổ đại
(Ảnh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Trong các triều đại của lịch sử, đỉnh là lễ khí tối quan trọng, cũng là vật báu truyền quốc, lại là khí cụ tượng trưng cho quyền lực và đất nước. Trong văn hóa truyền thống, đỉnh chứa đựng nội hàm tư tưởng phong phú, được ban tặng hàm nghĩa hiển hách và tôn quý. Cổ nhân nói: “Đỉnh, quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh”, nghĩa là người quân tử nên giống như đỉnh, vừa đoan chính lại vừa ổn trọng vững vàng. Người quân tử dựa vào những phẩm chất này mà hoàn thành sứ mệnh, sự nghiệp lớn của bản thân.

Các văn nhân cổ đại đều mong mỏi có thể thông qua gian khổ học tập để tương lai có được khí phách “nâng núi nhấc đỉnh”, có được địa vị “trọng nhân liệt đỉnh” (cuộc sống sung túc dùng đỉnh để bày đồ ăn), có danh tiếng “đại danh đỉnh đỉnh”.

Người xưa còn dùng đỉnh làm vật thắp hương trong phòng đọc sách, không chỉ làm cho phòng đọc thơm tho, tinh thần sảng khoái mà còn là để nhắc nhở các học giả chăm chỉ học hành không dám lơ là, kiên định như đỉnh, phấn đấu thực hiện lý tưởng “đạt tắc kiêm tế thiên hạ” (tạo phúc cho thiên hạ).

Về hình dáng của đỉnh, trong sách “Thuyết văn” viết: “Đỉnh là bảo khí có ba chân hai quai, có thể điều hòa ngũ vị”. Đỉnh có loại hình tròn, hai quai được thiết kế có lỗ dùng để luồn dây khi cần di chuyển đỉnh nặng, ba chân gánh trọng lượng của đỉnh có tác dụng giúp đỉnh đứng vững. Ngoài ra cũng có loại đỉnh hình vuông có bốn chân như loại đỉnh vua Thương Vương Tổ Giáp dùng để cúng tế mẹ ông. 

Đỉnh ban đầu được làm bằng gốm. Từ đời nhà Thương trải qua các triều đại cho đến thời Nguỵ Tấn, đỉnh thường được đúc bằng hợp kim thiếc và đồng. Lúc mới làm xong, đỉnh có màu vàng sáng giống như màu của vàng kim nên người ta còn gọi đỉnh là Cát Kim. Đỉnh có màu đen bóng hoặc xanh lục mà chúng ta thấy ngày nay không phải màu nguyên bản của đỉnh được làm bằng đồ đồng nguyên thủy. Loại đỉnh có kích thước và trọng lượng lớn thì ít, cho nên nó là loại quý hiếm hơn. Hầu hết đỉnh đều được chạm khắc văn hoa hết sức tinh tế, lộng lẫy, thể hiện nội hàm và đặc điểm văn hóa của một thời đại. 

Đỉnh là loại được chế tác với số lượng lớn nhất trong các loại lễ khí bằng đồng thời cổ, đồng thời cũng là loại khí cụ mà đời sau sưu tập bảo tồn với số lượng nhiều nhất. Nó cũng thể hiện thành tựu khoa học kỹ thuật của công nghệ đúc thời cổ đại. Theo “Lịch đại trứ lục cát kim mục”, đỉnh đồng thời Thương Chu mà các đời sưu tập bảo tồn được có 1291 chiếc, đây là loại có số lượng nhiều nhất trong các loại thanh đồng khí thời cổ. Đỉnh thuộc thời kì đầu nhà Thương tương đối đơn giản và thô. Đỉnh cuối đời Thương có dáng to lớn và nặng, hoa văn tinh mĩ mang nét vẻ hung tợn quái dị, là tiêu chí thời đại rõ nhất của xã hội bấy giờ. Đỉnh thời Tây Chu có số lượng nhiều nhất, về cơ bản không phải là để sử dụng mà là loại lễ khí nên có tạo hình đoan trang, hoa văn trang nhã, thuộc loại trọng khí quý giá trong số các thanh đồng khí.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, đỉnh thường có bụng tròn, có hai quai, chân đỉnh hình móng thú, nắp đỉnh hình bát úp bên trên có ba núm. Loại đỉnh có niên đại sớm nhất là đỉnh có bụng sâu chân cao, loại muộn hơn thì bụng nông chân thấp. Thời nhà Tần, đỉnh đồng thường bụng nông chân mập, chế tác thô. Đỉnh đồng nước Sở có hình dáng đa dạng và đều có chân cao. Nhìn chung, đỉnh của hai nước Tần Sở là nổi trội hơn cả.

Đỉnh là một trong những nội dung quan trọng của lễ chế triều nhà Chu. Lễ chế triều Chu quy định Thiên tử triều Chu khi ăn cơm dùng chín đỉnh, chư hầu dùng bảy đỉnh, khanh đại phu dùng năm đỉnh, sĩ dùng ba đỉnh và một đỉnh (theo sách “Xuân Thu”). Số lượng đỉnh lớn nhỏ tượng trưng cho thân phận và địa vị của một người.

Đỉnh ban đầu thô sơ chỉ là dụng cụ dùng để nấu và đựng đồ ăn, chủ yếu là nấu và đựng thịt. Về sau, nó là khí cụ không thể thiếu trong các yến tiệc. Sau nữa, đỉnh trở thành lễ khí hiến tế quan trọng và trở thành bảo khí quốc gia.

Chính vì công năng của đỉnh thay đổi nên hình dáng và hoa văn của đỉnh cũng có sự thay đổi. Đến triều nhà Thương, đỉnh vuông được sử dụng nhiều làm lễ khí hiến tế. Tuy rằng đỉnh vuông kém đỉnh tròn về khả năng đựng và nấu đồ ăn nhưng với tư cách là vật dùng trong tế lễ, nó lại được người dân Thương ưa chuộng hơn vì ý nghĩa “Trời tròn đất vuông”. 

Thời cổ đại không phải ai ai cũng có thể sử dụng đỉnh, phải là người tầng lớp quý tộc hoặc có chức sắc quan trọng mới được sử dụng. Cuối thời Tây Chu, dùng đỉnh và quỹ để nấu và đựng đồ ăn đã trở thành biểu tượng của thân phận. Một chiếc đỉnh lớn có thể luộc cả một con vật dùng để cúng tế, được gọi là Hoạch đỉnh. Những chiếc đỉnh lớn và những chiếc đỉnh nhỏ có cùng hình dạng và cấu tạo với nhau được ghép thành một bộ gọi là “Liệt đỉnh”. “Liệt đỉnh” thường là số lẻ chín, bảy, năm, ba. Cách nói “Liệt đỉnh nhi thực” (bày đỉnh ra ăn) phản ánh cuộc sống giàu có xa hoa của tầng lớp quý tộc. 

Quốc quân hoặc vương công đại thần thời nhà Chu trong các dịp lễ lớn hoặc khi nhận được ân huệ đều phải đúc đỉnh để ghi nhớ dịp trọng đại này. Ngoài ra, các triều đại đúc đỉnh còn để cầu phúc cầu bình an cho dân chúng. Cũng vì thế, đỉnh là tiêu chí của quốc gia, không chỉ tượng trưng cho sự thống nhất và hòa bình mà còn là vật cát tường tượng trưng cho sự hưng thịnh và an khang.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: