Các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hay còn gọi là Tòa án Thế giới của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (31/1) đã phán quyết Nga vi phạm một số điều khoản của hiệp ước chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc, nhưng từ chối phán quyết những cáo buộc Kyiv cho rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine năm 2014.

Cũng trong phán quyết nêu trên, ban hội thẩm gồm 16 thẩm phán đã phán quyết Nga vi phạm hiệp ước chống phân biệt đối xử khi không ủng hộ giáo dục ngôn ngữ Ukraine tại Crimea từ khi Nga sáp nhập bán đảo này năm 2014.

ICJ cũng đã bác bỏ các yêu cầu của Ukraine về việc ra lệnh Nga bồi thường cho hai vi phạm hiệp ước nêu trên và chỉ ra lệnh cho Moscow tuân thủ các hiệp ước này.

Bất chấp thất bại pháp lý này, đại diện của Ukraine Anton Korynevych vẫn nhấn mạnh phán quyết của ICJ là quan trọng cho Kyiv bởi vì nó đã thực sự công nhận Nga vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Anton Korynevych nói với báo giới sau phán quyết của ICJ: “Đây là lần đầu tiên Nga chính thức về mặt pháp lý bị gọi là đối tượng vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ukraine đã khởi kiện Nga lên ICJ vào năm 2017, cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước chống khủng bố khi cấp tiền cho các phần tử ly khai thân Nga tại Ukraine. Các thẩm phán của ICJ trong phán quyết nêu trên nói rằng Moscow đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc khi không điều tra những cáo buộc có vẻ hợp lý rằng một số khoản tiền đã được gửi từ Nga tới Ukraine khả năng là để cấp tiền cho các hoạt động khủng bố.

Ban hội thẩm gồm 16 thẩm phán của ICJ đã ra lệnh cho Nga phải điều tra tất cả các cáo buộc về cấp tiền cho khủng bổ, nhưng đã không chấp nhận yêu cầu của Kyiv về việc bắt Nga phải trả tiền bồi thường.

ICJ cũng đã từ chối phán quyết về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Tòa án Thế giới nói rằng những vi phạm cấp tiền cho khủng bố chỉ áp dụng đối với hỗ trợ tài chính, không áp dụng với cung cấp vũ khí hoặc huấn luyện quân sự như Ukriane cáo buộc. Ukraine cho rằng Nga đã cung cấp hệ thống tên lửa dùng vào việc bắn rơi MH17, nhưng không cáo buộc hỗ trợ tài chính trong trường hợp này.

Trong phiên xử án tại ICJ ở The Hague, Hà Lan hồi tháng 6/2023, Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Ukraine rằng Moscow cấp tiền và kiểm soát các phần tử ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine, gọi đó là những cáo buộc bịa đặt và “dối trá trắng trợn”.

Trong vụ án kéo dài 7 năm này, Kyiv đã cáo buộc Nga trang bị vũ khí và cấp tiền cho các lực lượng thân Nga, gồm cả những phần tử nổi loạn đã bắn rơi máy bay MH17 vào tháng 7/2024 khiến tất cả 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Vào tháng 11/2022, một tòa án tại Hà Lan đã kết án vắng mặt hai công dân Nga và một công dân Ukraine hình phạt tù chung thân vì vai trò của những người này trong thảm họa máy bay MH17.

Ukraine nói rằng tại Crimea Nga đã cố gắng xóa bỏ văn hóa của chủng người Tatar và Ukraine. Tòa ICJ đã bác bỏ tất cả những cáo buộc liên quan đến người Tatar, nhưng phán quyết rằng Moscow đã không cố gắng hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ Ukraine.

Các phán quyết của ICJ là cuối cùng và không được kháng cáo, nhưng tòa án quốc tế này không có cách nào để thực thi các quyết định của mình.