Ngày 22/8, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tới Ấn Độ vào tháng tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20) tại New Delhi từ ngày 7/9 đến ngày 10/9.

G20 bao gồm các nền kinh tế lớn trên thế giới, các thành viên của nhóm này chiếm gần 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nhóm G20 bao gồm các thành viên G7, các thành viên EU, và 12 quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Nga, và Ả Rập Xê Út.

Trong một thông báo hôm 22/8, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Tổng thống Biden và các đối tác G20 sẽ thảo luận một loạt các nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu.”

Các cuộc thảo luận sẽ bao gồm “chuyển đổi sang năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động về kinh tế và xã hội do cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, đồng thời tăng cường năng lực của các ngân hàng phát triển đa phương, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới.”

Khi ở New delhi, Tổng thống Biden cũng sẽ gặp một số nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, mọi con mắt đều sẽ đổ dồn vào những tương tác của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Nhà Trắng, vẫn chưa có cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới được lên lịch tại sự kiện này.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5, Tổng thống Biden đã dự đoán rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ “tan băng” trong thời gian ngắn.

Ông cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi là do sự kiện một “quả khinh khí cầu ngớ ngẩn” của Trung Quốc mang theo thiết bị do thám bay ngang qua nước Mỹ trước khi bị một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn rơi trên Đại Tây Dương.

Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 21/5, Tổng thống Biden lưu ý: “Mọi thứ đã thay đổi khi [hai bên] nói chuyện với nhau. Tôi nghĩ các bạn sẽ thấy điều đó [mối quan hệ Mỹ – Trung] bắt đầu tan băng rất nhanh.”

Tuy nhiên, ngoại trừ việc các quan chức trong nội các Biden đến thăm Trung Quốc để đàm phán, dường như không có gì thay đổi kể từ đó.

Tổng thống Biden đã và đang theo đuổi một hội nghị thượng đỉnh khác với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng Bắc Kinh được cho là đã từ chối đề nghị của ông. Cả hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần cuối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở đảo Bali của Indonesia vào ngày 14/11/2022.

Hồi tháng 6, Tổng thống Biden bất ngờ gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “nhà độc tài” khi nhắc lại vụ việc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích nhận xét của Tổng thống Biden là “cực kỳ vô lý và cực kỳ vô trách nhiệm”.

Tuần trước, trong cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Hàn Quốc tại Trại David, Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông mong đợi sẽ gặp ông Tập vào mùa thu này.

Phát biểu với các phóng viên, ông nhấn mạnh: “Tôi mong đợi và hy vọng sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng tôi ở Bali vào mùa thu này. Đó là mong đợi của tôi.”

Hôm 22/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo sẽ đến Bắc Kinh và Thượng Hải để tham dự một loạt các cuộc họp vào tuần tới.

Phát biểu với các phóng viên trong một hội nghị điện đàm hôm 22/8, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, chuyến đi này phản ánh chiến lược của chính quyền Biden, tiến hành “cạnh tranh dữ dội” với Trung Quốc đồng thời sử dụng “ngoại giao mạnh mẽ” để ngăn chặn sự cạnh tranh leo thang thành xung đột.

Theo ông Sullivan, trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới, Tổng thống Biden sẽ tập trung vào việc củng cố các ngân hàng phát triển đa phương và nâng cao vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực Nam bán cầu, nơi Trung Quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng thông qua chương trình phát triển kinh tế gây tranh cãi của mình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Ông Sullivan giải thích: “Tổng thống thực sự muốn sử dụng nó [hội nghị thượng đỉnh G20] như một cơ hội để Hoa Kỳ và các đối tác cùng chí hướng đưa ra một đề xuất có giá trị, đặc biệt đối với các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu, và khi ớ đó, ông ấy sẽ thực sự tập trung nhiều sức lực vào việc hiện đại hóa các ngân hàng phát triển đa phương, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới và IMF.” IMF là tên viết tắt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

“Xét quy mô của nhu cầu và thành thật mà nói, cả quy mô cho vay cưỡng bức và không bền vững của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, chúng ta cần phải đảm bảo rằng có các giải pháp tiêu chuẩn cao, đòn bẩy cao đối với các thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt. Và cách đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất là thông qua Ngân hàng Thế giới và IMF, đây là những tổ chức tài chính quốc tế minh bạch và hiệu quả cao.”

Gần hai thập kỷ sau Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 quy mô đầy đủ đầu tiên ở thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania của Mỹ vào năm 2009, Hoa Kỳ sẽ lại giữ chức chủ tịch G20 vào năm 2026. 

Ông Sullivan lưu ý, khi ở New Delhi, Tổng thống Biden “cũng sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với G20 như một diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc Hoa Kỳ cam kết sẽ tổ chức [hội nghị thượng đỉnh] G20 vào năm 2026.”

Theo các bản tin truyền thông, Tổng thống Nga Putin đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 ở đảo Bali, Indonesia, nhưng không loại trừ khả năng ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay ở New Delhi.

Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý đưa ra một thông cáo chung, trong đó họ tuyên bố rằng “hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine,” nhưng cũng “có những quan điểm khác”.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)