Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador hôm thứ Hai (31/7) đã kêu gọi kết thúc cuộc chiến tranh “phi lý” tại Ukraine, thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới tại Trung Đông cần có sự góp mặt của cả Ukraine và Nga. Ông cũng cho rằng xung đột hiện nay “chỉ có lợi cho công nghiệp chiến tranh”.

Ông Lopez Obrador nói rằng Mexico sẽ chỉ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tại Trung Đông tới đây nếu cả hai bên Ukraine và Nga cùng góp mặt.

Nếu có sự hiện diện của cả Ukraine và Nga để tìm kiếm các giải pháp đạt được hòa bình, thì chúng tôi sẽ tham gia”, Reuters dẫn lời ông Lopez Obrador nói trong buổi họp báo định kỳ hôm 31/7.

Chúng tôi không muốn chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn. Cuộc chiến đó là rất phi lý”, ông Lopez Obrador nói và nhấn mạnh thêm rằng cuộc xung đột vũ trang này đã đang gây ra đau khổ cho người dân trên diện rộng.

Thứ duy nhất hưởng lợi từ [cuộc xung đột vũ trang này] là ngành công nghiệp chiến tranh”, ông Lopez Obrador khẳng định.

Theo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm thứ Bảy (29/7), các quan chức cấp cao từ khoảng 30 quốc gia dự kiến sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Jeddah, Ả Rập Saudi trong hai ngày 5 & 6/8 tới đây. WSJ dẫn tin từ các nhà ngoại giao liên quan đến kế hoạch hòa đàm này cho biết Nga không được mời tham gia sự kiện.

Cuộc họp mặt quốc tế này là một nỗ lực gần nhất của một quốc gia đóng vai trò trung gian. Cuộc họp được coi là tiếp tục nỗ lực ở cuộc gặp mặt tháng trước tại Copenhagen, Đan Mạch với mục đích tìm kiếm ủng hộ của quốc tế đối với các điều khoản hòa bình có lợi cho Ukraine.

Reuters cho hay Anh, Nam Phi, Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) nằm trong số những quốc gia đã xác nhận tham dự và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến cũng sẽ đến Jeddah.

Hôm thứ Hai (31/7), Điện Kremlin tuyên bố rằng họ sẽ “theo dõi” cuộc gặp mặt nêu trên nhưng hiện tại không nhìn thấy những điều kiện có thể hòa đàm với Kyiv.

Tổng thống Lopez Obrador thời gian qua vẫn luôn tìm cách giữ Mexico ở thế trung lập trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cho dù chính phủ của ông cũng đã bỏ phiếu ủng hộ một số nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án vai trò của Nga trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 17 tháng này. Mexico cho đến nay vẫn từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và cũng chưa áp đặt chế tài kinh tế lên Nga.

Hồi tháng Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục các nhà lập pháp Mexico hãy ủng hộ kế hoạch của ông về kết thúc chiến tranh. Kế hoạch hòa bình do Kyiv đưa ra có yêu cầu tiên quyết là Nga phải rút hết quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine vốn được quốc tế công nhận từ năm 1991, nghĩa là gồm cả bán đảo Crimea.

Ông Lopez Obrador năm ngoái cũng đã vạch ra một kế hoạch hòa bình riêng rẽ cho xung đột dai dẳng ở châu Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã phản đối đề xuất này vì họ cho rằng nó đem lại lợi ích nhiều hơn cho Nga.

Hải Đăng