Khi nói về “Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường” (EDCA) ký với Mỹ năm 2014, Tổng thống Marcos của Philippines cho biết ý tưởng ban đầu là cải thiện cơ chế ứng phó khẩn trong cứu trợ thiên tai, tuy nhiên nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công Đài Loan thì căn cứ của Philippines sẽ rất hữu ích, nhưng Mỹ sẽ không yêu cầu Philippines gửi quân.

Ferdinand Marcos Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gặp gỡ tại New York hôm 22/5. (Ảnh chụp màn hình video)

Reuters đưa tin, sau phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington, Tổng thống Marcos (Ferdinand Marcos) của Philippines cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng Mỹ sẽ không yêu cầu Philippines gửi quân tham chiến nếu ĐCSTQ tấn công quân sự Đài Loan.

Khi nói về hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Biden và việc cập nhật thỏa thuận liên minh quốc phòng, ông Marcos cho biết do biến đổi khí hậu và số lượng thiên tai ập đến Philippines ngày càng nhiều, nên ý tưởng ban đầu là cải thiện cơ chế ứng phó khẩn trong cứu trợ thiên tai.

Thỏa thuận liên minh quốc phòng đó chính là “Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường” (Enhanced Defense Cooperation Agreement, EDCA) mà Philippines và Mỹ đã đạt được năm 2014.

Ngày nay việc cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines theo EDCA là biện pháp phòng thủ, ông Marcos nói. Nếu ĐCSTQ tấn công quân sự Đài Loan gây bùng nổ chiến tranh trên eo biển Đài Loan thì căn cứ của Philippines rất hữu ích.

Ông nói: “Căng thẳng trên eo biển Đài Loan dường như tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh này thì an toàn của công dân Philippines ở Đài Loan trở thành vấn đề tối quan trọng… Vì vậy nếu có điều gì đó khủng khiếp xảy ra, EDCA này cũng sẽ hữu ích cho chúng tôi”.

Về câu hỏi nếu chiến tranh eo biển Đài Loan bùng nổ thì liệu Mỹ có yêu cầu Philippines gửi quân tham chiến hay không, ông Marcos cho biết Washington không yêu cầu Philippines thực hiện bất kỳ hành động nào trong việc tham gia bảo vệ Đài Loan: “Khi tôi nói về thảm họa và việc sơ tán công dân Philippines của chúng tôi, đó là mang tính chất phòng thủ, là bản chất phòng thủ dân sự của chúng tôi”.

Được biết ông Marcos là nguyên thủ Philippines đầu tiên đến thăm Nhà Trắng sau 10 năm, nhấn mạnh bước thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines so với chính quyền tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Chính quyền ông Duterte đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với ĐCSTQ, tránh xa đồng minh cũ là Mỹ.

Về tình hình ĐCSTQ bành trướng quân sự ở Biển Đông, ông Marcos cho biết Chính phủ Philippines đã đồng ý về nguyên tắc tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ, Úc, Nhật Bản và cả Hàn Quốc, dự kiến ​​sẽ bắt đầu từ năm nay. Những cuộc tuần tra như vậy sẽ giúp duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông Marcos cho biết Manila vẫn đang đàm phán một hiệp ước phòng thủ ba bên với Mỹ và Nhật Bản, nhưng không nói rõ nội dung hiệp ước.

Đại sứ ĐCSTQ tại Philippines phát biểu đe dọa

Theo trang web của Đại sứ quán ĐCSTQ tại Philippines, ngày 14/4 Đại sứ ĐCSTQ tại Philippines Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) đã có bài phát biểu khai mạc tại “Diễn đàn Manila về Quan hệ Trung Quốc – Philippines” lần thứ 8. Trong phát biểu, quan chức ĐCSTQ này có đề cập: “Tình hình ở eo biển Đài Loan cũng đang đối mặt với một vòng căng thẳng mới và những thách thức nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa của căng thẳng và hỗn loạn ở eo biển Đài Loan là sự thông đồng giữa lực lượng ‘độc lập Đài Loan’ và Mỹ”.

Ông Hoàng Khê Liên nói rằng Bắc Kinh rất quan tâm và lo ngại nghiêm trọng về vấn đề chính quyền Manila đã cho Mỹ dùng thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Philippines – Mỹ (EDCA). Rõ ràng là Mỹ đang cố gắng sử dụng các cơ sở EDCA để can thiệp vào vấn đề Đài Loan, gây bất lợi cho sự phát triển hòa bình của Philippines và khu vực.

Đại sứ ĐCSTQ tại Philippines nói: “Nếu Philippines thực sự lo lắng về sự an toàn của 150.000 công nhân của họ tại Đài Loan, thì họ nên có lập trường dứt khoát hơn chống lại ‘Đài Loan độc lập’ thay vì cho Mỹ dùng thêm 4 căn cứ quân sự gần eo biển Đài Loan, như vậy chỉ đổ thêm dầu vào lửa”.

Sau khi chỉ trích việc triển khai quân đội của Mỹ tại Philippines cũng như trên toàn thế giới, ông Hoàng Khê Liên đã dùng nhận xét của Tổng thống Pháp Macron làm ví dụ để minh họa quan điểm của mình: “Bảo đảm quyền tự chủ chiến lược hay sẵn sàng làm chư hầu? Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra câu trả lời: Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu”.

Mỹ được dùng 9 căn cứ quân sự tại Philippines

Theo hãng tin AP ngày 27/4, lâu nay những cuộc đụng độ lãnh thổ của ĐCSTQ với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei vẫn được xem là điểm nóng ở châu Á, hiện nay cuộc đối đầu giữa Mỹ và ĐCSTQ tại khu vực này đã làm căng thẳng gia tăng.

ĐCSTQ đã chỉ trích thỏa thuận hợp tác EDCA gần đây giữa Philippines và Mỹ, theo đó Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn của Philippines. Washington đã nhiều lần cảnh báo rằng Mỹ sẽ giúp bảo vệ đồng minh châu Á của mình là Philippines nếu quân đội, tàu hoặc máy bay của Philippines bị tấn công ở Biển Đông.

Trang web của Phủ Tổng thống Philippines ngày 3/4 ra tuyên bố cho biết, những căn cứ mới theo EDCA được bổ sung do quân đội Mỹ sử dụng là Căn cứ Hải quân Camilo Osias và Lal-lo Airport ở tỉnh Cagayan thuộc cực bắc của đảo Luzon, doanh trại Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela, và đảo Balabac ở tỉnh Palawan.

Phủ Tổng thống Philippines tuyên bố rằng các căn cứ này có thể nâng cao khả năng cứu trợ thiên tai và cứu trợ nhân đạo của Philippines.

Trong số đó, Căn cứ Hải quân Camilo Osias đối mặt với Đài Loan qua Kênh Bashi, cách Đài Loan khoảng 400 km. Đảo Balabac thuộc tỉnh Palawan nằm ở cực Tây của Philippines, đối diện với Quần đảo Trường Sa [Việt Nam] ở Biển Đông.

Trong một sự kiện của Quân đội vào tháng Ba, Tổng thống Marcos thông báo rằng Chính phủ Philippines và Mỹ đã thống nhất về 4 căn cứ mới mà Mỹ đóng quân và sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức.

Tổng thống Marcos cũng cho biết, 4 địa điểm mới cho quân đội Mỹ đóng trú nằm rải rác trên khắp Philippines, nhưng mục tiêu chính là bảo vệ bờ biển phía đông của nước này, còn thềm lục địa phía đông (continental shelf) đảo Luzon của Philippines cũng đang được xem xét.