“Nếu phía Ukraine thực sự muốn các cuộc đàm phán, thì họ không nên có bất kỳ động tác diễn kịch nào,” Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Tư.

Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp Bắc Kinh (ảnh cắt từ video)

Những động tác “diễn kịch” của Kiev đã trở nên lỗi thời, khi giọng điệu của phương Tây đã thay đổi về chiến tranh Ukraine. Ông Putin “khen ngợi” rằng phương Tây thay đổi như vậy là “đi đúng hướng” rồi, và phía Nga vẫn luôn sẵn sàng cho các đàm phán hòa bình.

Ngày 18/10, bên lề sự kiện Vành đai và Con đường diễn ra tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp báo với nhiều chủ đề khác nhau.

“Nếu phía Ukraine thực sự muốn các cuộc đàm phán, thì họ không nên có bất kỳ động tác diễn kịch nào,” ông nói với các nhà báo, và chỉ ra một vài “diễn kịch” —theo cách nói của ông— mà Kiev cần gạt bỏ nếu họ thật lòng muốn hòa đàm.

Theo ông Putin, thì Ukraine phải bãi bỏ đạo luật cấm đàm phán hòa bình với Nga.

Hơn một năm trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký lệnh cấm này, tuyên bố rằng đề xuất đàm phán hòa bình với Nga là phạm luật. Lúc bấy giờ Kiev cùng với sự hậu thuẫn của phương Tây đã thề theo đuổi con đường quân sự để đạt được mục tiêu của mình.

Theo ông Putin, thì giờ đây giọng điệu của phương Tây đã thay đổi, và ngày càng đi xa khỏi mục tiêu ban đầu là đánh bại Nga trên chiến trường.

“Thay đổi như thế đang đi đúng hướng,” ông Putin nói. “Tôi khen ngợi điều đó. Nhưng ngần ấy còn chưa đủ.”

Ông Putin nêu tên người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell là ví dụ về việc một nhân vật hàng đầu của phương Tây đã biểu hiện thay đổi lập trường của mình.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước, ông Borrell tuyên bố trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Vương Nghị rằng “chúng tôi tin tưởng Trung Quốc sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine.”

Trung Quốc từ lâu đã đề xuất phương án hòa bình cho chiến tranh Ukraine.

Vấn đề Mỹ bí mật cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho quân Ukraine, ông Putin cho rằng việc này đã làm thay đổi bản chất về nhận thức về chiến tranh Ukraine.

  • Mỹ đã bí mật cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine — Trước đó, Mỹ tuyên bố không cung cấp vũ khí tầm xa cho chính quyền Kiev, bởi vì mục đích của Mỹ là để giúp Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên hôm Thứ Ba, giới chức Kiev công khai nói rằng họ dùng tên lửa ATACMS —tầm xa tới 300 km— đồng thời các quan chức của Mỹ thừa nhận ngay trong ngày rằng đó là tên lửa mà Mỹ cung cấp, nhưng không công bố ra ngoài, để “gây bất ngờ cho Nga”.

Theo ông Putin, đó là sai lầm của Mỹ.

Ông nói nếu Mỹ không cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, thì sau này Mỹ còn có thể nói khác đi về vai trò của mình trong chiến tranh Ukraine. Nhưng giờ đã thành như vậy, thế thì họ không thể bác bỏ vai trò tham gia rất sâu của Mỹ được nữa. Nhưng có vấn đề, đó là việc thêm những tên lửa đã không thể thay đổi được kết quả chiến cuộc. Nó chỉ làm lộ rõ rằng Mỹ tham gia rất sâu vào chiến tranh Ukraine. Cho nên đó là sai lầm của Mỹ. Nó cũng không đem lại lợi ích thực tiễn nào cho Ukraine.

Những đợt không kích vừa qua của Ukraine cũng như vậy. Chúng là sai lầm, theo lập luận của ông Putin. Chúng không đem lại gì tốt cho chính quyền Kiev. Nhưng chúng phá hoại và ảnh hưởng tới những người vô tội.

Tổng thống Nga nói ông cảm thấy “nực cười” khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thỉnh thoảng nói rằng rằng Nga “đã thua” ở Ukraine.

“Nếu Nga đã thua rồi, thì tại sao [Mỹ] lại cung cấp ATACMS?”, ông Putin vừa nói vừa biểu hiện hài hước. “Hãy để ông ấy lấy lại ATACMS và số vũ khí còn lại, rồi cầm một ít bánh kếp và đến dự tiệc trà với chúng ta.”

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News vào Chủ nhật tuần trước, ông Biden kêu gọi khán giả hãy tưởng tượng về một tương lai trong đó “trên thực tế, chúng tôi đoàn kết toàn bộ châu Âu và Putin cuối cùng đã bị hạ bệ,” đồng thời cho rằng điều đó có thể đạt được.

Đôi khi lời bình luận rằng Nga “đã thua” là được lý giải trên cơ sở tham chiếu với mục tiêu của Nga là xâm lược toàn bộ đất nước Ukraine. Cho nên, nếu Nga không đạt được mục tiếu ấy, thì coi như là “đã thua”.

Kỳ thực, bộ lập luận này là mưu đồ của truyền thông phương Tây, tìm cách miêu tả ông Putin ôm mộng bá quyền nước lớn, từ đó biện minh cho việc Mỹ và phương Tây đổ tiền vào Ukraine. Thời Liên Xô mới tan rã, Nga nghèo và bất ổn định, NATO vẫn dùng bộ lập luận này để biện minh cho việc họ liên tục mở rộng về phương Đông. Chính phủ Nga đã bác bỏ cái mục tiêu mà Mỹ và truyền thông phương Tây gán ghép cho Nga.

Nhật Tân