Do Âu Mỹ chậm trễ chuyển vũ khí cho Kyiv mà cuộc phản công đã không thể bắt đầu “sớm hơn nhiều” như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn. Trong buổi phỏng vấn được CNN thực hiện khá công phu ở Odesa về một số chủ đề khác nhau, ông Zelensky tin rằng lẽ ra phải đánh phủ đầu Nga từ sớm, khiến Nga không thể kịp chuẩn bị phòng thủ chắc chắn được như hiện nay.

230704 zel 02
Ông Zelensky trả lời phỏng vấn CNN. (Ảnh chụp từ video)

Cuộc phản công của quân Kyiv được nói tới từ cuối năm ngoái, cuối cùng được coi như bắt đầu vào đầu tháng trước. Mục đích của cuộc phản công là giành lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng, gồm cả Crimea, với mục tiêu sơ bộ là cắt đứt hành lang trên bộ nối Nga với bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, ông Zelensky thừa nhận cuộc phản công đã “không đạt được kết quả mong đợi”, và hiện nay tiến triển của nó đã bị “làm chậm lại” bởi hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Các chiến báo thậm chí cho thấy hệ thống phòng thủ của Nga còn chưa thực sự bị chọc thủng.

Ông Zelensky, cũng như nhiều người trong giới chức Kyiv, đã đổ lỗi cho tiến độ chuyển giao vũ khí và đạn dược từ phương Tây. Ông Zelensky nói rằng ở một số khu vực của đất nước, quân đội của ông “thậm chí không thể nghĩ đến việc bắt đầu” các cuộc tấn công, bởi vì họ không có “vũ khí phù hợp”.

“Tôi rất biết ơn Hoa Kỳ với tư cách là những nhà lãnh đạo hỗ trợ chúng tôi,” ông Zelensky nói với CNN, “nhưng tôi đã nói với họ cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu rằng chúng tôi muốn bắt đầu cuộc phản công sớm hơn và chúng tôi cần tất cả vũ khí cùng đạn dược tương ứng. Tại sao? Đơn giản vì nếu chúng ta bắt đầu muộn hơn, nó sẽ đi chậm hơn… Chúng ta cho kẻ thù của mình thời gian và khả năng để đặt thêm mìn và chuẩn bị tuyến phòng thủ của họ.”

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp của Tổng thống Ukraine, hôm 5/7 cũng có những lời cay đắng khi đổ lỗi cho sự chậm trễ về vũ khí và đạn dược của phương Tây:

“Hãy hình dung.

Do sự ngu ngốc của kẻ thù, bạn đã may mắn rút được một tờ vé số vàng. Một quốc gia khác, chiến đấu trong một cuộc đấu tranh sinh tồn cho sự tồn tại của nó, đang tự tay phá hủy tiềm năng chiến đấu của đối thủ chiến lược chính của bạn, tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ của chính mình và dùng mạng sống người dân của chính mình [để làm điều ấy].

Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là đưa ra quyết định về hỗ trợ hậu cần và giúp đỡ hậu cần: Vận chuyển vũ khí cần thiết, khởi động năng lực của tổ hợp công nghiệp-quân sự của bạn, đồng thời đổi mới [liên tục] kho hàng của riêng bạn.

Thế mà bạn… do dự.

Mọi quyết định [của bạn] đều phải được nghiến răng nghiến lợi theo đúng nghĩa đen, lãng phí hàng tháng trời nói suông và các chiến dịch vận động hành lang thông tin.

Thật khác thường… Người dân Ukraine không chỉ nhắc nhở thế giới phương Tây rằng họ là ai và nó được xây dựng dựa trên cái gì, mà còn phải liên tục nhắc nhở giới tinh hoa chính trị của [phương Tây] về ý chí và trách nhiệm thực sự của họ là gì.”

Tại sao chiến dịch phản công không đạt được kỳ vọng?

Có không ít các góc nhìn khác nhau trả lời câu hỏi này, ngoài cách mà giới chức Kyiv đổ lỗi cho sự chậm trễ về vũ khí đạn dược.

230603 milley 01
Tướng Mark Milley (Mỹ) trước thềm chiến dịch phản công, đã tưởng rằng xe tăng tối tân của Âu Mỹ sẽ đem lại chiến thắng. (Ảnh ghép videoWikipedia)

Một cư dân mạng cho rằng giao tranh tháng qua ở Ukraine đánh dấu một sự khác biệt chưa từng có trong chiến tranh trên thế giới, và có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong các chiến thuật tương lai: Đó là vai trò của xe tăng.

Khi quyết định lựa chọn chiến tranh theo hình thức kinh điển (conventional war) ở Ukraine, NATO cho rằng xe tăng Challenger 2 (Anh) và Abrams (Mỹ) sẽ ở thế gần như bất bại, bởi vì Nga —quốc gia chỉ dành 3% GDP cho quốc phòng— sẽ không sở hữu vũ khí thông thường nào, kể cả xe tăng cổ lỗ sỹ của Nga, có thể công phá các xe tăng tối tân này. Dàn đông đảo các xe tăng Leopard (Đức) cũng áp đảo về tính năng hơn hẳn, nếu so với các xe tăng cổ lỗ sỹ mà Nga đang dùng.

NATO cũng dùng tới các đầu đạn uranium nghèo vốn có thể đánh thủng dễ dàng xe tăng của Nga.

Đó là lợi thế mà NATO có được trong các cuộc chiến trước đó trên thế giới. Đó cũng là nguồn đem lại tự tin chiến thắng với dàn xe tăng hơn hẳn Nga.

Nhưng thực tế giao tranh cho thấy Nga có rất nhiều các UAV Lancet rẻ tiền, súng chống tăng, mìn chống tăng, v.v. thừa sức đánh gục bất kỳ loại xe tăng nào của NATO. Dù là Leopard hay Abrams hoặc Challenger 2 thì khả năng bị đánh tàn cũng bằng xe tăng T-90 vốn có của Ukraine.

Thời đại các xe tăng được dùng như các pháo đài di động trên thế giới e rằng sẽ chấm dứt sau đợt giao tranh này, khi công nghệ quân sự đã thay đổi. Ngoài ra, hệ thống công sự, kèm theo các bãi mìn, cùng chướng ngại vật, v.v. đã khiến hệ thống phòng thủ của Nga trở nên quá mạnh.

Theo như một bài của Reuters, thì có thể phe đồng minh sẽ đặt trọng tâm vào UAV thay vì xe tăng cho các cuộc giao tranh sau này.

Nhật Tân