Vũ khí càng tối tân càng tốt? Dường như không phải vậy, ít nhất trong chiến tranh Ukraine. Trước đó Reuters đã có bài rằng UAV Lancet giá rẻ của Nga đang làm Ukraine và NATO đau đầu. Chiến sự từ tháng 5 đến nay cho thấy Nga đang dùng các vũ khí rẻ tiền hơn để đạt được mục đích cả trong tấn công lẫn phòng thủ. Khái niệm ‘chạy đua công nghệ’ dường như biến đổi ý nghĩa, khi không phải cứ tối tân là tốt. Hôm 5/7, Reuters có báo cáo về việc Ukraine và đồng minh bắt đầu chạy đua với Nga về phương diện này, khi họ mời hàng trăm kỹ sư và nhiều hãng vũ khí tập trung lại để nghĩ cách giải bài toán UAV rẻ tiền của Nga, khi hệ thống phòng không cùng đạn dược đắt tiền của NATO không đủ và lỗ vốn trong lúc tiến hành giao tranh với Nga. Thập chí có cả quỹ giải thưởng 3 triệu đô la được đặt ra cho những sáng kiến tốt nhất chống lại UAV Shahed.

p3346321a445693529
Ảnh minh họa máy bay không người lái Lancet của Nga (Nguồn: Nickel nitride / Wikipedia)

Phóng viên Reuters tường thuật rằng họ là hãng truyền thông duy nhất được tham gia một lần gặp mặt đặc biệt. Đó là tại một tầng hầm ở Kyiv vào một ngày nào đó cuối tháng trước. Sự kiện được diễn ra hoàn toàn bí mật.

Hàng trăm kỹ sư và các nhà phát minh, cùng với quan chức quân đội chụm đầu với nhau nghĩ cách đối phó với các UAV rẻ tiền của Nga.

Như trong một báo cáo trước đó, cũng của của Reuters, UAV Lancet giá rẻ đã làm NATO rất đau đầu. Nó là loại UAV tự sát, có thể phá hủy các mục tiêu đắt tiền của đối phương —kể cả xe tăng và thiết giáp— trong khi đó chi phí để các dàn phòng không bắn rụng nó thì cao, tức là lỗ vốn. Hơn nữa UAV của Nga nhiều quá, khiến hệ thống phòng không và đạn dược đắt tiền của Âu Mỹ bó tay.

Một cư dân mạng đã có một bài luận ngắn cho rằng ‘chiến tranh tiêu hao’ hiện nay đã đẩy NATO vào thế bất lợi so với Nga. Cả về tiêu hao chiến binh cũng như tiêu hao vũ khí cùng đạn dược. Những năm qua, Âu Mỹ chú trọng vào phân khúc vũ khí tối tân hơn, đắt tiền hơn, sản lượng thấp hơn. Thậm chí cơ sở sản xuất vũ khí rẻ tiền ở Mỹ đã bị đóng cửa. Dẫn đến hiện nay Âu Mỹ chụm lại sản xuất đạn dược cũng không kịp theo tốc độ tiêu hao với Nga.

Lưu ý rằng ‘chiến tranh tiêu hao’ đang diễn ra ở Ukraine là do chính NATO lựa chọn làm như vậy. Một phần là vì ban đầu Âu Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế cùng công nghiệp quân sự của Nga kiệt quệ. Nhưng sau hơn 1 năm, điều đó đã không xảy ra; và thực tế cho thấy Nga vẫn duy trì được cuộc chiến này.

Một phần nữa là vì Mỹ và Châu Âu muốn tỏ ra là người ‘đứng ngoài cuộc’, chứ không phải là bên tham chiến, do đó họ đã lựa chọn hình thức chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine như hiện nay, và ‘tiêu hao chiến’ được đặt ra với mục đích hao mòn và kéo sụp Nga. Dù sao thì Âu Mỹ cộng lại được coi là giàu có hơn Nga rất nhiều lần.

Đó là bối cảnh dẫn đến những gì mà Reuters viết “một cuộc chạy đua công nghệ” — không phải là chạy đua công nghệ tối tân hơn, mà là chạy đua công nghệ thực dụng hơn.

“Cuộc chiến ngày nay mang tính công nghệ, với những thay đổi trong công nghệ và trên chiến trường diễn ra hàng ngày,” Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, đã nói vậy bên lề cuộc họp.

Shahed 136 rendering
Mô hình máy bay không người lái Shahed thiết kế ban đầu bởi Iran (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Reuters miêu tả một cách sinh động rằng trong những kỹ sư được mời, có cả những người đam mê lập dị, ví như có người đàn ông mặc quần đùi, đội mũ bóng chày, và ôm ấp chiếc UAV trong vòng tay, v.v.

Các nhà tổ chức đã phát 3 triệu đô la tiền thưởng cho 3 nhóm chuyên gia được coi là đã trình bày máy bay không người lái hoặc công nghệ tác chiến điện tử tốt nhất để chống lại UAV Shahed của Nga — loại UAV có nguồn gốc từ Iran, bay theo bầy đàn đến mục tiêu của chúng và phát nổ khi va chạm.

Shahed bay thấp đến mức có thể tránh lực lượng phòng không phát hiện, trong khi hệ thống định vị của chúng đủ mạnh để khiến chúng khó bị hạ gục bằng vũ khí chiến tranh điện tử chống máy bay không người lái bằng cách làm gián đoạn tần số vô tuyến.

Các quan chức cho biết phương Tây đã cung cấp các hệ thống phòng không tối tân để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa. Nhưng đối diện một đàn máy bay không người lái 50.000 USD/cái mà lại cần loại tên lửa 1 triệu USD/cái để hạ gục thì hiển nhiên là không lý tưởng.

“Điều đó không mang lại lợi nhuận, vì vậy chúng tôi cần liên tục cắt giảm chi phí cho các công cụ mà chúng tôi sử dụng để tiêu diệt Shahed,” ông Fedorov than thở.

Ban tổ chức sự kiện đã yêu cầu Reuters không tiết lộ họ của những người tham gia vì lý do an ninh.

Một trong số họ, Oleksandr, cho biết nhóm của ông đang giới thiệu một “quadrocopter” có cánh bên cạnh động cơ cánh quạt. Ông cho biết nó có thể bay nhanh hơn và lâu hơn nhiều so với các loại máy bay không người lái khác.

“Đó sẽ là một UAV… cất cánh thẳng đứng để đánh chặn hoặc đuổi kịp các UAV, bắn hạ hoặc gây nhiễu chúng,” ông nói.

Một người tham gia khác, Yuriy, kỹ sư và phó giám đốc của một công ty Ukraine, cho biết nhóm của ông đã trình bày các thiết kế cho các hệ thống tác chiến điện tử chống máy bay không người lái mới sẽ hiệu quả hơn để chống lại Shahed.

Cuộc chiến của các UAV

Các quan chức cho biết máy bay không người lái đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến ở Yemen, Syria và Nagorno-Karabakh, nhưng chưa bao giờ nhiều hơn ở Ukraine.

“Đây thực sự là một cuộc chiến máy bay không người lái chưa từng có,” ông Fedorov nói và khoe rằng nhờ đó mà công nghệ quân sự của Ukraine đã bùng nổ kể từ khi họ phải chiến đấu với người Nga.

Reuters không biết rõ tổng số máy bay không người lái được Ukraine sử dụng trên chiến trường, dường như đó là bí mật quân sự.

“Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là mua hơn 200.000 UAV loại tấn công và loại trinh sát lớn… Chúng tôi sẽ mua ở thị trường càng nhiều càng tốt,” ông Shchyhol nói.

Ông Fedorov cho biết việc sản xuất UAV hiện đang diễn ra trên khắp Ukraine bất chấp mối đe dọa từ các cuộc không kích của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà sản xuất đã được yêu cầu chia lẻ các công việc ở các địa điểm khác nhau và sử dụng các hầm tránh bom cho các bộ phận của quy trình sản xuất.

Ông Fedorov nói thêm rằng hơn 80% máy bay không người lái được mua là do Ukraine sản xuất và lắp ráp tại Ukraine.

Anatoliy Khrapchynskyi, người làm việc cho một công ty phát triển công nghệ tác chiến điện tử, nói rằng trong khi cách tiếp cận của Nga là từ trên xuống và do các tổ chức nhà nước chi phối, thì cách tiếp cận của Ukraine được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân và có sự tham gia của nhiều công ty quy mô nhỏ hơn.

“Có 7 công ty có thể bán máy bay không người lái cho nhà nước khi chúng tôi bắt đầu dự án này vào năm ngoái. Hiện nay con số này là 40 và sẽ là 50 vào cuối năm nay,” ông Fedorov nói.

Ông cho rằng mô hình phát triển ngành công nghiệp vũ khí này của Ukraine sẽ hứa hẹn nhiều ưu điểm hơn so với Nga, và sẽ thúc đẩy nền công nghiệp của Ukraine. Theo ông, vốn đầu tư mạo hiểm của nhà nước đang giúp mở rộng sản xuất trong nước và Ukraine có lợi thế hơn Nga.

Ngoài ra, ông cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đem lại lợi thế cho Ukraine nếu so với nga.

Ông Fedorov nói: “Nhờ có quỹ, các công ty bắt đầu nội địa hóa sản xuất. Ngày nay, chúng tôi mua các bộ phận trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc. Nhưng quá trình nội địa hóa đang dần diễn ra.”

Nhật Tân