Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo giới hôm thứ Sáu (10/11) rằng việc Nga chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh của NATO. Ông cho biết khối quân sự do Mỹ lãnh đạo sẽ tiếp tục ủng hộ Kyiv vũ khí và đạn dược để tránh một kết quả “nguy hiểm” như vậy.

Washington và các đồng minh cùng đối tác đang ủng hộ Ukraine không chỉ vì họ “đã đồng ý” làm thế tại nhiều cuộc họp, mà cũng vì “đó là lợi ích của chính chúng ta”, ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại Berlin hôm 10/11.

Chúng ta phải nhớ và hiểu rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng tại Ukraine, thì đó sẽ là thảm kịch cho người dân Ukraine và đó cũng là nguy hiểm cho chúng ta”, ông Stoltenberg nói, tuyên bố thêm rằng chiến thắng của Nga sẽ khuyến khích “các nhà lãnh đạo độc tài” sử dụng vũ lực và “vi phạm luật pháp quốc tế” để “đạt được những gì họ muốn”.

Điều đó sẽ làm cho chúng ta dễ bị tổn hại hơn”, ông Stoltenberg nói và cho biết thêm rằng ông “tự tin Bắc Mỹ và châu Âu sẽ cùng nhau tiếp tục hỗ trợ Ukraine” và rằng đây là con đường duy nhất để đạt được “giải pháp hòa bình có thương lượng cho cuộc xung đột này”.

Chúng ta biết rằng Ukraine càng mạnh mẽ hơn trên chiến trường, thì quyền lực trên bàn đàm phán của họ cũng sẽ càng mạnh hơn”, ông Stoltenberg nói.

Những bình luận nêu trên của ông Stoltenberg đến vào thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng viện trợ quân sự của Washington cho Kyiv đang cạn dần nếu các nhà lập pháp Mỹ không sớm phê duyệt gói viện trợ mới cho Ukraine.

Quốc hội Mỹ đang gặp bế tắc trong việc thông qua gói viện trợ mới hơn 60 tỷ USD cho Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden. Đảng Cộng hòa muốn tách riêng các khoản chi tiêu, trong khi ông Biden và Đảng Dân chủ muốn gộp chung gói chi tiêu khổng lồ hơn 100 tỷ USD cho viện trợ Ukraine, Israel, Đài Loan và xử lý vấn đề nhập cư Mỹ tại biên giới phía nam.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hôm thứ Tư (8/11), đã tuyên bố rằng Kyiv sẽ tiếp tục cuộc chiến với Moscow cho đến khi nào quân đội Nga phải rút hết khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine tuyên bố chủ quyền ngay cả khi không còn nhận được viện trợ từ Mỹ nữa.

Ông Zelensky cũng đã bác bỏ các tin tức trên truyền thông cho rằng các quốc gia phương Tây hậu thuẫn Kyiv đã khuyến khích chính quyền Zelensky tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow. “Điều này sẽ không xảy ra”, ông Zelensky nói vào tuần trước trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Tháng 10/2022, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm Ukraine tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Về phía Nga, Điện Kremlin đã nhiều lần bắn tín hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán với Kyiv, nhưng khẳng định rằng các cuộc đàm phán như vậy nên xem xét đến lợi ích an ninh của Moscow và “thực tế trên thực địa”. Vào mùa thu năm 2022, Nga đã sáp nhập 4 vùng lãnh thổ có đa số người dân nói tiếng Nga mà Ukraine tuyên bố chủ quyền tại miền đông và nam sau các cuộc trưng cầu dân ý mà Ukraine gọi là các cuộc bỏ phiếu “giả mạo”. Nga cũng đã sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 bằng động thái chính trị tương tự.

Hải Đăng