Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết hôm thứ Sáu (16/9) rằng biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các CEO của Boeing Defense và Raytheon vì lý do tham gia vào thương vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho Đài Loan. Có ý kiến ​​cho rằng động thái đó sẽ chỉ đẩy nhanh sự tách rời của Mỹ và Trung Quốc.

shutterstock 2090547505
Raytheon là một trong những tập đoàn vũ khí lớn nhất toàn cầu với doanh thu hơn 64 tỷ USD vào năm 2021. (Nguồn: Arnold O. A. Pinto/  Shutterstock).

Ngày 2/9, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Bộ Quốc phòng Mỹ (DSCA), phụ trách bán hàng quân sự cho nước ngoài, thông báo rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt 3 khoản bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan, bao gồm: 60 chiếc Tên lửa hành trình chống hạm loại II AGM-84L Harpoons trị giá 355 triệu USD, 100 tên lửa không đối không chiến thuật AIM-9X Block II Sidewinder trị giá 85,6 triệu USD, và radar giám sát trị giá 655,4 triệu USD. Các nhà thầu chính tương ứng là Boeing Defense (một bộ phận công ty của Boeing) và Raytheon.

Phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning) của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết chính phủ Trung Quốc đã quyết định trừng phạt chủ tịch kiêm CEO của Raytheon là ông Gregory Hayes và chủ tịch kiêm CEO của Boeing Defense là ông Ted Colbert vì họ đã tham gia vào thương vụ mua bán vũ khí này, biện pháp trừng phạt “để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

p3210161a69925370 ss
Phát ngôn viên mới nhậm chức Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh cắt từ video)

Bà Mao Ninh công bố tin về lệnh trừng phạt để trả lời câu hỏi của phóng viên tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Bà không nói rõ về các biện pháp cụ thể của lệnh trừng phạt hoặc cách thức thực hiện, nhưng nhắc lại vấn đề không hài lòng của Bắc Kinh đối với việc Chính phủ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và trao đổi quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.

Vì cả Boeing Defense và Raytheon đều không bán vũ khí cho Trung Quốc, nên vẫn chưa rõ các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ đối với CEO của hai công ty sẽ bao gồm những vấn đề gì và chúng sẽ được thực hiện như thế nào.

Trước đó, ĐCSTQ đã ban hành lệnh trừng phạt Raytheon, Boeing Defense và những cá nhân chưa nêu rõ vì liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Thông báo hôm thứ Sáu đánh dấu lần đầu tiên ĐCSTQ xác định và xử phạt các cá nhân tại các công ty này.

Bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao của Nhà Trắng về Trung Quốc và Đài Loan đưa ra tuyên bố sau thông báo ngày 2/9 của Lầu Năm Góc về việc bán vũ khí. Bà cho biết: “Khi Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục tăng cường gây sức ép lên Đài Loan, bao gồm tăng cường hiện diện quân sự trên không và trên biển xung quanh Đài Loan, và cố gắng thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi đang cung cấp cho Đài Loan những gì họ cần để duy trì khả năng tự vệ của họ”.

Chỉ đẩy nhanh tách rời hoàn toàn chuỗi cung ứng Mỹ – Trung Quốc

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi), người Mỹ gốc Hoa sống tại New York, cho biết: “ĐCSTQ muốn trừng phạt các công ty vũ khí của Mỹ. Điều này sẽ chỉ đẩy nhanh việc tách rời hoàn toàn chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ cụ thể: Lockheed Martin là công ty sản xuất máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, công ty cũng sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Gần đây, có thông tin rằng máy bay chiến đấu F-35 đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối vì sử dụng nam châm của Trung Quốc”.

“Vì vậy lần này, ĐCSTQ đã điểm tên CEO của các công ty như Raytheon và áp đặt biện pháp trừng phạt. Động thái sẽ đẩy nhanh việc những hãng buôn bán vũ khí này tách hoàn toàn khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, ông nói.

Ông nói thêm rằng kết quả cuối cùng thì bên thua thiệt lại chính là Trung Quốc. Giới chức ĐCSTQ phải đưa ra các biện pháp trừng phạt này vì họ phải cho thấy hành động trước nội bộ của họ.

“Nhìn lại lịch sử, vào tháng Hai năm nay, ĐCSTQ đã công bố biện pháp trừng phạt đối với Raytheon nhưng nội dung cụ thể vẫn chưa được công bố. Thực tế điều đó có nghĩa là ĐCSTQ không sẵn sàng áp đặt trừng phạt, trừ khi tình hình vạn bất đắc dĩ”, ông Lý Lâm Nhất cho biết.

Raytheon Technologies là một trong những công ty vũ khí lớn nhất toàn cầu với doanh số hơn 64 tỷ USD vào năm 2021. Tên lửa hành trình Tomahawk và loạt tên lửa phòng không Patriot từng gây tiếng vang lớn trong Chiến tranh vùng Vịnh đều là sản phẩm kinh điển của Raytheon.

Không có dữ liệu cho thấy lệnh trừng phạt có ảnh hưởng gì

Đây là lần thứ 4 ĐCSTQ trừng phạt một công ty vũ khí của Mỹ kể từ năm 2019. Ngày 21/2, ĐCSTQ công bố biện pháp trừng phạt đối với Raytheon và Lockheed Martin vì hành vi bán vũ khí cho Đài Loan. Đây cũng là lệnh trừng phạt đầu tiên được áp đặt theo “Luật Trừng phạt Chống nước ngoài” được ĐCSTQ vội vàng thông qua vào năm 2021.

Trước đó vào năm 2019, ĐCSTQ đã công bố biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin sau khi Mỹ chấp thuận cung cấp cho Đài Loan 66 máy bay chiến đấu F-16V do Lockheed Martin sản xuất.

Sau đó năm 2020, ĐCSTQ một lần nữa tuyên bố trừng phạt Lockheed Martin vì đã tham gia vào thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 620 triệu USD với loại tên lửa Patriot-3. Vào tháng 10 cùng năm, ĐCSTQ tuyên bố biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Raytheon và Boeing Defense đã tham gia bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá 1,8 tỷ USD.

Cho đến nay không có dữ liệu công khai nào cho thấy “lệnh trừng phạt” của ĐCSTQ có bất kỳ ảnh hưởng gì đến Lockheed Martin và Raytheon.