Với lập trường gồm 12 điểm được công bố sáng thứ Sáu (24/2), ngày tròn 1 năm chiến tranh Ukraine, kêu gọi các bên tránh leo thang hạt nhân và chấm dứt tấn công vào dân thường, chính quyền Bắc Kinh được nhìn nhận rằng đã can thiệp sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine, The Guardian đưa tin.

shutterstock 141819499
Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ảnh minh họa (Nguồn: Haines/ Shutterstock)

Bản báo cáo lập trường này của Trung Quốc được đưa ra mà không hề tham khảo ý kiến của nước chủ nhà Ukraine, và trước bài phát biểu theo dự kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ukraine tỏ ra thận trọng khi hoan nghênh đề xuất “hòa bình” của Trung Quốc. Các đồng minh phương Tây cùng một số nhà phân tích dường như chỉ trích đề xuất này, khi mà quan hệ Trung-Nga đang tỏ ra thắt chặt hơn, và trong đề xuất có ý phê bình phương Tây đang tìm cách đẩy chiến tranh ở Ukraine leo thang, điều mà phương Tây bác bỏ.

Nó không đưa ra các bước cụ thể nhưng bao gồm ngôn ngữ mạnh mẽ phản đối “mối đe dọa hoặc sử dụng” vũ khí hạt nhân.

“Việc phổ biến vũ khí hạt nhân phải được ngăn chặn và tránh khủng hoảng hạt nhân. Trung Quốc phản đối việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Bài viết không nói đến các đề xuất của Trung Quốc đối với một bên cụ thể trong cuộc xung đột, thay vào đó kêu gọi tất cả các bên “giữ lý trí và kiềm chế,”“tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường hoặc các cơ sở dân sự, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân khác của cuộc xung đột.”

Với ngôn ngữ ám chỉ và phê phán phương Tây gồm cả Hoa Kỳ, bài viết cảnh báo chống lại việc “mở rộng các khối quân sự” —hiển nhiên là ám chỉ NATO— và kêu gọi tất cả các bên “tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng” —đây là ngôn ngữ mà các quan chức Bắc Kinh sử dụng nhiều lần để chỉ trích việc Hoa Kỳ rót tiền vào Ukraine.

Đại diện lâm thời Ukraine tại Trung Quốc, Zhanna Leshchynska, đã gọi văn bản lập trường này là “một dấu hiệu tốt.”

Bà nói bà hy vọng Trung Quốc sẽ tích cực hơn trong việc hỗ trợ đất nước của bà.

“Chúng tôi hy vọng [Trung Quốc] cũng hối thúc Nga ngừng chiến tranh và rút quân,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng hiện tại bà vẫn chưa nhìn thấy hỗ trợ thực tiễn nào của Trung Quốc dành cho Ukraine.

Từ đầu đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn tự miêu tả mình là một bên trung lập, một bên có khả năng xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, họ đã từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, thay vào đó đổ lỗi cho phương Tây đang gây căng thẳng, và một số quan chức cấp cao của Trung Quốc rõ ràng đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các mục tiêu của Nga.

Tuần này, Chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, và vào thứ Sáu, một báo cáo của Der Spiegel tuyên bố Moscow đang đàm phán với một công ty Trung Quốc về việc cung cấp số lượng lớn máy bay không người lái tấn công. Hôm thứ Sáu, Bắc Kinh cũng bỏ phiếu trắng —lần thứ tư— trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố của Hoa Kỳ là bôi nhọ vô căn cứ, và vẫn chưa bình luận về báo cáo của Der Spiegel.

Bài công bố lập trường hôm thứ Sáu cũng nhấn mạnh các lập trường mà Bắc Kinh đã thúc đẩy trong quá khứ, bao gồm yêu cầu tôn trọng chủ quyền quốc gia và “toàn vẹn lãnh thổ,” và chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Phát biểu với CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bác bỏ nhiều nội dung của bài công bố lập trường này.

“Phản ứng đầu tiên của tôi với nó là [bài viết] nên chăng kết thúc luôn ở điểm thứ nhất, đó là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia,” ông nói.

“Ukraine không tấn công Nga. NATO không tấn công Nga. Hoa Kỳ không tấn công Nga… Mục tiêu của Nga trong cuộc chiến là xóa Ukraine khỏi bản đồ, sáp nhập nước này vào Nga.”

Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết bài báo chủ yếu là bản tóm tắt các quan điểm và tuyên bố đã nêu trước đó của họ, vốn đã “đầy mâu thuẫn.”

“Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Ukraine, nhưng họ không chỉ trích việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine,” ông Glaser chỉ ra.

Ông Glaser cũng lưu ý điểm cuối cùng trong số 12 điểm, trong đó nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng giúp tái thiết sau xung đột, “có vẻ như Trung Quốc rất muốn đưa [các doanh nghiệp nhà nước] của họ vào Ukraine, vừa để kiếm lợi nhuận vừa để thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc. thông qua các phương tiện thương mại và kinh tế.”

Drew Thompson, một học giả của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu và là cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết tuyên bố này thiếu độ tin cậy.

“Thiếu vắng sự nêu rõ cần thiết phải trả lại lãnh thổ mà Nga đang cố gắng sáp nhập, tuyên bố của Bắc Kinh không phải là một kế hoạch, mà là một tuyên bố về các nguyên tắc xoa dịu mà chính Trung Quốc không tuân theo, chẳng hạn như phản đối cưỡng chế kinh tế trong các trường hợp có khác biệt chính trị,” ông phân tích.

Nhật Tân