Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã ban hành một văn bản vào thứ Ba (1/8) khuyến khích tất cả công dân tham gia vào các hoạt động phản gián của chính phủ. Các chuyên gia về Trung Quốc lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến việc mọi người theo dõi lẫn nhau, và cũng không có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

shutterstock 1163578141
Người dân Bắc Kinh trên tàu điện ngầm. (Nguồn: wonderlustpicstravel/ Shutterstock)

Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố trong bài viết đăng trên WeChat: “Hoạt động gián điệp là một hành vi phạm pháp và tội phạm nghiêm trọng mang tính che giấu, tính chuyên nghiệp và tính nguy hại, không chỉ cần cơ quan an ninh quốc gia phát huy vai phản gián điệp của cơ quan chuyên môn, mà còn cần sự tham gia rộng rãi và cùng phòng ngừa của quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc phòng tuyến an ninh quốc gia toàn dân chống gián điệp, phòng gián điệp.”

Bài viết cũng khuyến khích “các kênh không bị cản trở để công dân và tổ chức báo cáo các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, kiện toàn cơ chế đảm bảo có liên quan, biểu dương các cá nhân và tổ chức đã tham gia các hoạt động phản gián và có những đóng góp lớn.

Tín hiệu này của Trung Quốc (ĐCSTQ) nhanh chóng tạo ra nhiều quan ngại và phản đối trên Twitter.

Ông Isaac Stone Fish, cựu nhà báo trú tại Trung Quốc và là giám đốc điều hành của công ty tư vấn Strategy Risks, viết trên Twitter: “Điều này đúng thật khiến tôi lạnh sống lưng. Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc kêu gọi tất cả công dân Trung Quốc tham gia vào công tác phản gián điệp. Điều này bằng như bảo mọi người giám sát công dân khác và người nước ngoài. Quá đáng sợ.”

Nhiều chuyên gia so sánh sáng kiến ​​này với hệ thống giám sát của khối Liên Xô cũ.

Bà Velina Tchakarova, chuyên gia địa chính trị và cựu giám đốc “Viện nghiên cứu Chính sách châu Âu và An ninh” (Austrian Institute for European and Security Policy) của Áo, cho biết: “Chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số mang đặc sắc Trung Quốc. Trung Quốc sẽ khiến Liên Xô (cũ), một siêu cường nổi tiếng với việc cho phép người thân theo dõi bạn, phải đỏ mặt. “

Ông Noah Barkin, chuyên gia về quan hệ Trung – Âu tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, cũng chỉ ra: “Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức (Stasi) mang đặc sắc Trung Quốc.”

Ông Don Weinland, phóng viên trú tại Trung Quốc của tờ The Economist, cho rằng: “Rất nhiều khẩu hiệu về việc khôi phục cảm giác tự hào tập thể của Trung Quốc (sự tự tin tự cường, v.v.) cuối cùng thứ biểu hiện ra lại là chứng đa nghi hoang tưởng.”

Cũng có chuyên gia cho rằng cách làm này của Trung Quốc không có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Matthew Brooker, một nhà bình luận của Bloomberg, đã viết: “Cùng với việc đó (kêu gọi toàn dân tham gia công tác phản gián), Trung Quốc cũng lại nói rằng: Hãy quay lại [Trung Quốc] đi, các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thực sự yêu các bạn!”

Trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã dần dần tăng cường tốc độ chống gián điệp và phòng gián điệp trên cả nước. Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ một doanh nhân Canada tại Trung Quốc và một cựu nhà ngoại giao Canada với cáo buộc “gián điệp” sau khi giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Châu, bị chính quyền Canada giam giữ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ.

Trung Quốc cũng đã bắt giữ và truy tố hai công dân quốc tịch Úc về tội gián điệp. Họ lần lượt là Thành Luy (Cheng Lei), một nữ phóng viên người gốc Hoa từng làm việc cho Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) và Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), một nhà văn trực tuyến. Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã bắt giữ một giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma.

Bà Sheena Chestnut Greitens, giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng của Đại học Texas tại Austin, chỉ ra: “Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã xuất bản các bài viết như thế này trước đây (thường là vào Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia vào tháng 4 hàng năm). Nhưng công tác phản gián luôn luôn là một chủ đề trong trong việc chấp chính của ông Tập Cận Bình. Chủ đề này sau khi bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 3 của ông ấy có vẻ như được tăng cường hơn.”

Tuy nhiên, bên cạnh lo lắng về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động phản gián, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng hiện tượng này cũng đã xuất hiện ở Mỹ trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Neysun Mahboubi, một học giả nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Pennsylvania, đã viết: “Ngôn ngữ kinh tởm, không sai, nhưng điều đáng chỉ ra là, các nhân viên an ninh quốc gia ở đây đôi khi cũng sử dụng những từ ngữ như vậy khi thảo luận về những mối đe dọa có thể xảy ra.”

Ông Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy, cũng cho rằng: “Trên con đường dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, một trong những dấu hiệu đáng lo ngại và không rõ ràng nhất là không bên nào nhìn ra được rằng họ đang thực sự bắt chước bên kia, họ đang hướng đến một xã hội ngày càng quân sự hóa và chủ nghĩa dân tộc hóa.”

Mỹ nêu quan ngại về nỗ lực phản gián của Trung Quốc

Ngày 2/8, Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về lời kêu gọi của Trung Quốc nhằm khuyến khích công dân của họ tham gia nỗ lực chống gián điệp, đồng thời tuyên bố đã giám sát chặt chẽ việc thực thi luật chống gián điệp mở rộng của Bắc Kinh.

Quan ngại của Hoa Kỳ đã gia tăng sau khi luật chống gián điệp mở rộng của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7 và cấm chuyển thông tin 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matt Miller nêu rõ trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Chúng tôi có lo ngại về điều đó, chắc chắn việc họ khuyến khích công dân theo dõi lẫn nhau là điều rất đáng lo ngại.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc thực thi luật chống gián điệp mới của Trung Quốc như chúng tôi đã làm, luật này sẽ mở rộng đáng kể phạm vi của những hoạt động được coi là gián điệp.”

Trí Đạt (t/h, theo VOA)