Chính quyền Biden cho đến nay vẫn không muốn cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay không người lái tiên tiến cho Ukraine, do lo ngại rằng các khí tài quân sự này có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong biên giới Nga và gây ra sự leo thang quân sự nguy hiểm từ Moscow.

Embed from Getty Images

Ông Ben Hodges, cựu trung tướng chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu (Ảnh minh họa: Getty Images)

Khi một video về một cuộc tấn công bằng máy bay không lái của Ukraine vào một kho đạn của Nga lan truyền, một tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu nhận xét, những loại vũ khí như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) và máy bay không người lái Gray Eagle sẽ giúp Kyiv mở rộng phạm vi tấn công và tăng cường hỏa lực, gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ căn cứ hoặc kho đạn nào của Nga đặt bên trong vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng.

Phát biểu với tờ Insider, ông Ben Hodges, cựu trung tướng chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu, nhận định, tên lửa ATACMS có tầm bắn ấn tượng 190 dặm (304 km) và máy bay không người lái Gray Eagle tiên tiến “đặt các trụ sở chỉ huy và địa điểm hậu cần [của Nga] vào tình thế nguy hiểm” bởi vì các vũ khí này cho phép Ukraine tấn công các vị trí của Nga nằm phía sau tuyến phòng thủ rộng lớn của Moscow. Máy bay không người lái Gray Eagle có thời gian hoạt động khoảng 25 giờ và có thể hoạt động ở độ cao 30.000 feet (9.100 mét) khiến chúng trở nên hiệu quả khi thực hiện các nhiệm vụ dài hơn.

Các lực lượng Ukraine đã tiến hành cuộc phản công dữ dội trong vài tuần qua, tấn công theo nhiều hướng dọc theo chiến tuyến trải dài khắp miền Đông và miền Nam Ukraine và đã chiếm lại một số vùng lãnh thổ nhỏ trong quá trình này. Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv chỉ ra rằng quân đội Ukraine vẫn cần các vũ khí tấn công tầm xa để gây thiệt hại cho quân đội Nga hiện đang nằm ngoài năng lực tấn công của họ.

Đặc biệt tên lửa ATACMS có thể giúp Ukraine dễ dàng hơn khi nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea hiện bị Moscow chiếm đóng và Hạm đội Biển Đen của Nga, Ví dụ, theo Tướng Hodges, nếu các tên lửa này được bắn từ thành phố Odessa ở miền Nam Ukraine, chúng có thể tấn công các tàu chiến của Moscow ở thành phố cảng Sevastopol.

Bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Quốc hội Mỹ và các đồng minh, chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra quyết định nào về việc cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine, mặc dù tờ Wall Street Journal đã đưa tin vào tuần trước rằng dường như có một số động thái về việc cung cấp tên lửa này. Tuy nhiên, sau đó khi được hỏi về tên lửa ATACMS trong một cuộc họp báo ngắn, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Không quân Pat Ryder cho biết, ông không có gì để thông báo và không biết về bất kỳ quyết định nào sắp xảy ra liên quan đến vũ khí này.

Tại một sự kiện vào tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley tiết lộ, mặc dù “những điều này đang được bàn thảo,” nhưng vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào.

Sức mạnh của hệ thống vũ khí như tên lửa ATACMS, vốn có thể bắn từ Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Hoa Kỳ cung cấp mà Ukraine hiện có sẵn, có thể gây tổn thất cho năng lực hậu cần của Nga. Tướng Hodges giải thích: “Người Nga có nhiều quân hơn, nhiều lực lượng hơn, và nhiều pháo binh hơn. Và đó là một hệ thống chỉ huy và kiểm soát rất tập trung. Do đó, cách người ta vô hiệu hóa lợi thế duy nhất mà người Nga có là phá hủy trụ sở chỉ huy và cơ sở hậu cần [của Nga].”

Tên lửa ATACMS cũng sẽ cho phép Ukraine mở rộng tầm bắn vượt xa tầm bắn của tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp mà Kyiv hiện đang có. Các vũ khí đáng sợ này, vốn được các quan chức Mỹ ca ngợi vì sự thành công trên chiến trường, có tầm hoạt động 155 dặm (248km), gấp hơn 3 lần tầm bắn của HIMARS và Hệ thống rocket được dẫn hướng phóng nhiều lần (GMLRS).

Theo Tướng Hodges, mặc dù các vũ khí này [HIMARS và GMLRS) đã chứng mình là mang lại lợi ích, nhưng chúng cũng mang lại cho các lực lượng Nga nằm ngoài phạm vi tấn công một mức độ thoải mái. Ông tiếp tục: “Bởi vì chúng ta, Hoa Kỳ, tiếp tục từ chối cung cấp tên lửa ATACMS [cho Ukraine], trên thực tế chúng ta đã tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho người Nga bên trong Ukraine. Thực tế, bất kỳ địa điểm nào nằm ngoài [tầm bắn] hiện tại của tên lửa GMLRS, HIMARS và Storm Shadow đều là nơi trú ẩn an toàn [cho Nga].”

Việc chính quyền Biden e ngại cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine một phần là do lo ngại Moscow leo thang quân sự. Cũng chính những lo ngại này đã dẫn đến việc Washington đột ngột thay đổi ý kiến trong việc cung cấp cho Ukraine cho loại vũ khí hiện đại như xe tăng Abrams và máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Việc Kyiv liên tục yêu cầu trong nhiều tháng và áp lực từ các đối tác của Hoa Kỳ cuối cùng đã dẫn đến việc Washington quyết định cung cấp cho Kyiv các xe tăng tiên tiến này và cho phép các đồng minh châu Âu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Vẫn chưa rõ chính xác khi nào Ukraine sẽ được trang bị các máy bay chiến đấu này. Các chi tiết và thời gian biểu cho việc huấn luyện máy bay F-16 của Ukraine vẫn có khá mở hồ. Tuy nhiên, khi được trang bị các tên lửa phù hợp, các máy bay chiến đấu này có thể hỗ trợ cho hệ thống phòng không của Ukraine và cho phép lực lượng không quân của nước này gây thiệt hại cho các vị trí của Nga từ khoảng cách xa.

Hiện tại, vẫn còn phải chờ xem phương Tây sẽ cung cấp thêm các loại vũ khí tầm xa nào cho Ukraine. Điều này có thể sẽ biết được sau khi các thông báo mới về hỗ trợ an ninh được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra vào tuần tới. Mặc dù Kyiv đã nhiều lần đảm bảo với các nước phương Tây rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân bất tận vẫn khiến các quốc gia phương Tây  ủng hộ quân sự cho Kyiv cảm thấy lo lắng.

Tướng Hodges nhấn mạnh, người Nga “nhìn thấy rằng chúng ta đang tự răn đe về khả năng họ [Nga] có thể sử dụng vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, Moscow đã đe dọa sử dụng hạt nhân kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm ngoái, và vũ khí này “chỉ thật sự hiệu quả nhất khi họ không sử dụng chúng.”