Quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho New York Times biết Mỹ dự kiến sẽ công bố quyết định gửi bom đạn chùm (bom bi) vào chiến trường Ukraine trong gói viện trợ sẽ công bố trong tuần này. Tờ báo nói rõ rằng đây là loại bom đạn bị cấm rộng rãi từ lâu, nhưng vì chính quyền Kyiv cho rằng chúng hữu dụng và đã đòi hỏi Mỹ. Do đó sau nhiều tháng do dự, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ đáp ứng theo yêu cầu của Kyiv.

GettyImages 151429856
B52 Hoa Kỳ thả bom xuống một khu vực do ĐCSVN kiểm soát ở miền Nam Việt Nam 02/8/1965 trong Chiến tranh Việt Nam. (Nguồn ảnh: should read STF/AFP via Getty Images)

Sau nhiều tháng cân nhắc, và tình trạng chiến dịch phản công tại Ukraine bị trì trệ do hệ thống phòng ngự kiên cố của Nga gồm rất nhiều công sự được đào, Laura Cooper —Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Nga, Ukraine và Á-Âu— nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào cuối tháng trước rằng Bộ đã xác định bom đạn chùm sẽ hữu ích cho quân Kyiv, “đặc biệt là chống lại các vị trí được đào sẵn của Nga trên chiến trường.”

Quyết định dự kiến ​​​​của Hoa Kỳ lần đầu tiên được VOA đưa tin, và được xác nhận vào tối Thứ Tư (giờ Mỹ) bởi quan chức chính quyền với tờ New York Times, kèm điều kiện giấu tên.

Tổ chức nhân quyền quốc tế HRW ngay sau đó đã lên tiếng phản đối: “Việc chuyển giao những vũ khí này chắc chắn sẽ gây ra đau khổ lâu dài cho dân thường,” theo RT đưa tin. Hiện nay trên 100 quốc gia đã tham gia hiệp ước cấm loại bom đạn này. Giống Nga và Ukraine, Mỹ không tham gia lệnh cấm nhưng hầu như đã không cung ứng loại bom gây nhiều tai tiếng này nữa.

915px Demonstration cluster bomb
Bom mẹ chứa bom bi như các quả ổi. (Ảnh 1960, nguồn ảnh Wikipedia)

Bom đạn chùm là gì, và vì sao chúng bị cấm?

New York Times miêu tả đây là loại vũ khí gồm tên lửa, bom (như bom bi mà Mỹ dùng ở Việt Nam), đạn pháo mà chứa đạn nhỏ hơn bên trong. Bom đạn mẹ sẽ vỡ ra khi ở trên không, kích hoạt rồi phân tán rộng các đạn con ở bên trong (như lựu đạn) ra một khu vực rộng lớn. Các đạn con tựa như trái ổi, trái dứa, v.v. có thể phát nổ và gây sát thương ngay lập tức khi chạm mục tiêu.

Tuy nhiên một phần tỷ lệ không nổ ngay lập tức mặc dù đã được kích hoạt, và khi người dân thường chạm vào thì lúc đó mới phát nổ, hoặc khi có xáo trộn hay rung động thì sẽ phát nổ.

Tỷ lệ này là cao nhất trong số tất cả các loại vũ khí —lên tới 20% theo con số từ các tổ chức nhân đạo— gây hậu quả lâu dài và tàn khốc đối với dân thường, thậm chí rất nhiều năm sau chiến tranh.

Brian Castner, chuyên gia vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng cho đến hiện nay vẫn không có phương pháp nào triển khai loại bom đạn này một cách có trách nhiệm mà không ảnh hưởng tới dân thường, “Không có cách nào có trách nhiệm để sử dụng bom đạn chùm.”

Kể từ Đại Thế chiến II, bom đạn chùm đã giết chết khoảng 56.500 đến 86.500 thường dân, gồm cả trẻ em ở Syria, Yemen, Afghanistan, Lebanon, Balkan, và Lào, những người vẫn tiếp tục phải chịu đựng những sự cố liên quan đến tàn dư của bom đạn chùm.

Nhật Tân