Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố, lần đầu tiên bắn chặn tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga bằng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ hôm 4/5, theo AP đưa tin. Cư dân mạng phía Nga tỏ ra nghi ngờ vì không nhìn thấy bằng chứng thuyết phục nào của Ukraine.

Ten lua patriot
Hệ thống tên lửa Patriot. (Ảnh: Mike Mareen/Shutterstock)

“Đúng, chúng tôi đã bắn hạ chiếc Kinzhal ‘độc nhất’,” theo lời Mykola Oleshchuk, một chỉ huy không quân Ukraine, viết trên mạng xã hội. “Chuyện xảy ra trong cuộc tấn công vào ban đêm ngày 4/5 trên bầu trời khu vực Kyiv.”

Ông Oeshchuk tuyên bố tên lửa Kh-47 được máy bay MiG-31K phóng từ lãnh thổ Nga và bị bắn hạ bằng tên lửa Patriot.

Kinzhal là một trong những loại vũ khí tối tân và mới nhất của Nga. Quân đội Nga cho biết tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có tầm bắn lên tới 2.000 km và bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh nên rất khó bị đánh chặn.

Sự kết hợp giữa tốc độ siêu thanh và đầu đạn hạng nặng cho phép Kinzhal tiêu diệt các mục tiêu kiên cố như boong-ke ngầm hoặc đường hầm trong núi.

2018 Moscow Victory Day Parade 66
Máy bay mang tên lửa bội siêu thanh Kinzhal của Nga (Ảnh: BQP Nga)

Quân đội Ukraine trước đây đã thừa nhận thiếu phương tiện để đánh chặn Kinzhals.

“Họ nói rằng Patriot là vũ khí lỗi thời của Mỹ và vũ khí của Nga là tốt nhất trên thế giới,” phát ngôn viên Lực lượng Không quân Yurii Ihnat nói trên kênh truyền hình Channel 24 của Ukraine. “Chà, có xác nhận rằng nó hoạt động hiệu quả với cả tên lửa siêu thanh.”

Ông nói việc đánh chặn thành công Kinzhal là “một cái tát vào mặt Nga.”

Ukraine đã nhận lô tên lửa Patriot đầu tiên vào cuối tháng 4. Tuy nhiên họ không chỉ rõ có bao nhiêu hệ thống hoặc nơi chúng đã được triển khai, chỉ công bố các vũ khí này là do Hoa Kỳ, Đức và Hà Lan cung cấp.

Đức và Mỹ thừa nhận mỗi nước đã gửi ít nhất một khẩu đội Patriot và Hà Lan cho biết họ đã cung cấp hai bệ phóng, mặc dù không rõ có bao nhiêu bệ phóng hiện đang hoạt động.

Quân đội Ukraine đã được đào tạo mở rộng cần thiết để có thể định vị mục tiêu một cách hiệu quả bằng các hệ thống, khóa mục tiêu bằng radar và khai hỏa. Mỗi bộ khẩu đội cần tới 90 nhân sự để vận hành và bảo trì.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết, lần đầu tiên ông yêu cầu các hệ thống Patriot là khi đến thăm Mỹ vào tháng 8/2021, vài tháng trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, và cũng là 7 năm sau khi Nga sáp nhập trái phép bán đảo Crimea của Ukraine.

Trong một bài đăng trên Telegram vào thứ Bảy, Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết ông đã cảm ơn Tướng Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, vì sự viện trợ liên tục của Mỹ cho Ukraine.

Zaluzhnyi cho biết ông cũng đã thông báo cho ông Milley “về tình hình ở mặt trận và sự chuẩn bị” cho cuộc phản công. Ukraine chưa cho biết khi nào họ có thể phát động cuộc phản công, nhưng lâu nay nó được hiểu một cách rộng rãi rằng sẽ diễn ra vào mùa xuân này.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần này với tạp chí Foreign Affairs, Milley cho biết ông sẽ không suy đoán về việc liệu điều đó có thể xảy ra hay không hoặc khi nào thì nó sẽ xảy ra, nhưng với sự hỗ trợ của NATO để giúp huấn luyện và trang bị vũ khí tổng hợp, thiết giáp và bộ binh cơ giới trị giá 9 lữ đoàn, đảm bảo “người Ukraine ngay bây giờ có khả năng tấn công.”

Ông cũng nói rằng khả năng phòng thủ của họ đã “được nâng cao đáng kể so với chỉ mới một năm trước.”

“Tôi không muốn gợi ý rằng họ có thể hoặc không thể tiến hành một chiến dịch tấn công trong những tuần tới,” ông nói, ngụ ý Ukraine mới là bên chủ động, còn Hoa Kỳ chỉ là người đứng ngoài hỗ trợ. “Điều đó sẽ tùy thuộc vào họ. Họ có rất nhiều kế hoạch, sự phối hợp, và tất cả những việc đó phải làm nếu họ thực hiện một chiến dịch tấn công. Nhưng họ sẵn sàng tấn công hoặc phòng thủ.”

Trong một diễn biến khác, các quan chức ở cả Nga và Ukraine cho biết họ đã thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh thường xuyên khác.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đưa 3 phi công quân sự trở lại Nga. Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak cho biết 45 chiến binh từng ở lại phòng thủ ở nhà máy thép Azovstal trong trận ở Mariupol đã được trao trả cho Ukraine.

Cũng trong ngày Thứ Bảy, Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Ukraine đã cáo buộc Nga sử dụng đạn phốt pho trong nỗ lực giành quyền kiểm soát thị trấn Bakhmut phía đông từ lực lượng Ukraine.

Quân đội Nga đã cố gắng chiếm thị trấn trong hơn 9 tháng, nhưng lực lượng Ukraine vẫn đang bám trụ ở các vị trí ngoại ô phía tây.

Vào thứ Bảy, tờ Pravda Ukraine dẫn lời các quan chức quân sự nói rằng “kẻ thù đã sử dụng phốt pho và đạn gây cháy ở Bakhmut trong một nỗ lực nhằm quét sạch thị trấn khỏi bề mặt trái đất.”

Một bức ảnh kèm theo bài báo cho thấy một khu đô thị bị cháy ở nhiều nơi.

AP cho biết các cáo buộc không thể được xác minh độc lập.

Các lực lượng Nga đã không bình luận về tuyên bố này, nhưng đã bác bỏ các cáo buộc trước đó từ Ukraine rằng họ đã sử dụng phốt pho.

  • Cư dân mạng cho rằng tấm hình mà ông Oleshchuk phe Ukraine công bố là gì đó giống ống nước bị hỏng hơn là xác của chiếc tên lửa siêu thanh, và cho rằng tuyên bố Patriot bắn hạ tên lửa siêu thanh của Ukraine là không đáng tin cậy:

  • Một cư dân mạng phe Ukraine đăng hình nơi đồn trú cuối cùng của Ukraine tại Bakhmut chìm trong biển lửa và gọi đó là tội ác chiến tranh. Đây là đợt thứ 2 trong tuần này cư dân mạng phe Ukraine đăng hình Bakhmut trong biển lửa. Video đợt thứ 1 giống thế này, nhưng sau đó bị cho là video cũ, không phải video tình trạng hiện nay ở Bakhmut.

Luật pháp quốc tế nghiêm cấm sử dụng phốt pho trắng hoặc vũ khí gây cháy nổ khác —đạn được thiết kế để đốt cháy đồ vật hoặc gây thương tích do bỏng— ở những khu vực có thể có dân thường tập trung, AP đã bình luận như vậy. Phốt pho trắng cũng có thể được sử dụng để chiếu sáng hoặc tạo màn khói.

Nhật Tân