Trước đề xuất của Bộ Công an về việc sẽ thay đổi, gộp một số giấy phép lái xe, nhiều người băn khoăn không biết có bắt buộc phải làm thủ tục đổi giấy phép lái xe theo phân hạng mới không.

giay phep lai xe 1
Bộ Công an Việt Nam đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa: vovgiaothong.vn)

Truyền thông Nhà nước ngày 16/7 đưa tin Bộ Công an Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định đang có hiệu lực tại luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.

Tuy nhiên, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe thành các hạng: A2, A, A3, B, C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE. Trong đó, giấy phép lái xe hạng A2, A, A3 không thời hạn; hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; hạng C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Thay đổi tên gọi các hạng giấy phép lái xe

Theo dự thảo, giấy phép lái xe hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 đến 175cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương.

Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.

Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 – 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1.

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.

Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2.

Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.

Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.

Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc.

Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.

Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg.

Giấy phép lái xe cũ sẽ cấp đổi như thế nào?

Vẫn theo dự thảo, giấy phép lái xe đã cấp theo luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn được tiếp tục sử dụng khi luật mới có hiệu lực. Trường hợp phải cấp đổi, cấp lại thì thực hiện theo phân hạng giấy phép lái xe mới.

Trong đó, giấy phép lái xe hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng.

Giấy phép lái xe hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1.

Giấy phép lái xe hạng A đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A2.

Giấy phép lái xe hạng B đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng B1, B2.

Giấy phép lái xe hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng D.

Giấy phép lái xe hạng D đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng E.

Giấy phép lái xe hạng BE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FB2.

Giấy phép lái xe hạng CE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe FC.

Giấy phép lái xe hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD.

Giấy phép lái xe hạng DE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FE.

Việc phân hạng bằng lái xe mới là không cần thiết?

Có một số ý kiến cho rằng việc phân hạng bằng lái xe mới là không cần thiết, gây lãng phí, bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, việc phân hạng bằng lái xe mới sẽ làm xáo trộn tình trạng đang ổn định của lĩnh vực này, thậm chí sẽ gây thêm phức tạp, vướng mắc.

Bởi nhìn chung việc sử dụng các loại bằng lái xe hiện hành vẫn còn phù hợp, các loại bằng lái xe đang sử dụng chưa gây ra bất cập, vướng mắc gì lớn, thậm chí khá khoa học, hợp lý.

Thứ hai, nếu buộc phải đổi, cấp lại hàng loạt bằng lái xe sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất tốn kém; đồng thời phải bổ sung, bố trí nhân lực và nhất là tạo ra khối lượng công việc cần phải thụ lý, giải quyết.

Điều này sẽ gây tốn kém chi phí nguồn lực xã hội khi mà cả cơ quan có thẩm quyền và người dân phải bỏ thời gian, công sức và kinh phí để làm thủ tục cấp, đổi mới.

Đặc biệt là hiện nay bằng lái xe đang được Bộ Công an tích hợp vào căn cước công dân nên việc quản lý, sử dụng sẽ rất thuận tiện cho người dân khi cần tra cứu, xuất trình cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, ngay dự thảo luật về quy định phân hạng bằng lái xe mới cũng chưa hợp lý. Ví dụ, hiện nay bằng lái xe hạng B2 (gồm cả xe số sàn và xe số tự động) và cho phép lái cả xe tải, xe rơ moóc có trọng tải dưới 3,5 tấn cũng như được phép kinh doanh hành nghề lái xe.

Trong khi đó bằng lái xe hạng B1 chỉ được phép lái xe số tự động dưới 9 chỗ ngồi và người có bằng hạng B1 không được phép điều khiển xe tải.

Do đó nếu gộp chung B1 và B2 vào một hạng B là không hợp lý, bởi vì nhiều người hiện nay chỉ muốn học bằng hạng B1 phục vụ cá nhân, chứ không có nhu cầu kinh doanh hoặc lái xe tải, vì vậy bắt buộc họ phải học như hạng B2 là không cần thiết.

 Bên cạnh đó, việc thay đổi này có thể gây ra xáo trộn lớn trong hoạt động quản lý Nhà nước về cấp giấy phép lái xe.

Khánh Vy (t/h)