Hơn 97% mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản trên thị trường đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, hơn 99% cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…

rau cu qua
Một sạp rau, củ quả ở chợ tại TP.HCM, tháng 9/2023. (Ảnh: Kadagan/Shutterstocks)

Thông tin trên được ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố tại hội nghị Tổng kết lĩnh vực chế biến, kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường nông sản, ngày 4/1.

Ông Tiệp cho biết việc kiểm soát an toàn thực phẩm đã chuyển từ thanh, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; và tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp. Về kết quả kiểm tra trong năm 2023, theo ông Tiệp, 97,6% mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu; 99,2% cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm là 82%.

“Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi, trong đó có sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp, 150 hợp tác xã”, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho biết.

Vẫn theo ông Tiệp, với hàng xuất khẩu, trong năm 2023, Việt Nam tăng thêm 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 1 cơ sở vào Hoa Kỳ, 2 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (Dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ…). Một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc như sầu riêng, tổ yến, bưởi Diễn…

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2022, xuất siêu đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt 27,1 tỷ USD, tăng 18,8%; chăn nuôi gần 515,5 triệu USD, tăng 26,2%; lâm sản chính 14,4 tỷ USD, giảm 15,8%; thủy sản 8,98 tỷ USD, giảm 17,8%.

Từ góc độ quản lý, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Một số khu vực tỏ ra nhạy cảm hơn trước các biến đổi. Hàng rào kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu sẽ có xu hướng gia tăng, theo hướng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì.

“Trong xu thế hiện tại, nhiều quốc gia sẽ quan tâm hơn một bước tới lương thực, thực phẩm. Một số quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn có thể đã tính đến việc tự cung tự cấp những mặt hàng thiết yếu, quan trọng. Do đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ khó khăn hơn”, ông Nam nói.

Thông tin trên được đưa ra khi hơn một năm trước, vào trung tuần tháng 7/2022, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng.

Các hoạt chất bị cấm được phát hiện như hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh…; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng…; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.

Có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, nhiều mẫu rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng nhiều hoạt chất bảo vệ thực vật (có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất)… Tổng cộng là 271/570 mẫu rau, trái cây (chiếm tỷ lệ 47,54%) phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Có 42/100 mẫu (tỷ lệ 42%) hải sản đánh bắt về bị phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép (36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc); với thủy sản nuôi, 37/100 mẫu (chiếm tỷ lệ 37%) tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin; 49/100 mẫu tồn dư enrofloxacin; 5/100 mẫu tồn dư trifluralin…

Ba tháng sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trong 10 tháng đầu năm 2022, 97,7% tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm; 99,4% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

Năm 2023, Nhật Bản loan tin buộc tiêu hủy 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam, do kết quả mẫu phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Tại thông báo của Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản vào tháng 10/2023, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn có mẫu xét nghiệm phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Lô hàng nói trên được nhập khẩu sang Nhật Bản qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10, với giá 132.000 đồng/kg

Lô hàng hơn 4 tấn ớt bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản phát hiện 4 hoạt chất có trong mẫu xét nghiệm, trong đó có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

Trước đó, trong tháng 9, Công ty Japan Apple LLC nhập phải một lô hàng sầu riêng cắt non. Nhiều ngày sau khi giao hàng đến đối tác, sầu riêng chín ép, có mùi chua, buộc doanh nghiệp này phải thu hồi, chịu lỗ lớn, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản) cho hay.

Nguyễn Sơn