Doanh thu không đủ cho chi phí hoạt động, tuyến buýt điện đầu tiên tại TP.HCM được công bố thua lỗ lớn, tăng dần từ bình quân lỗ 1,3 tỷ đồng/tháng trong năm 2022 lên lỗ bình quân 1,5 tỷ đồng/tháng trong 8 tháng năm 2023.

xe buyt dien tpchm
Tuyến buýt điện D4 đón khách trong khu đô thị Vinhomes Grand Park, TP.HCM, tháng 4/2022. (Ảnh: Ryan Photo Capture/Shutterstock)

Tại báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết 5 tuyến buýt điện ở TP.HCM được triển khai thí điểm trong 24 tháng kể từ khi đi vào hoạt động. Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (sau đây gọi là Công ty VinBus) là đơn vị vận hành các tuyến buýt này.

Tuyến buýt điện đầu tiên đi vào hoạt động là tuyến buýt điện D4 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn), vận hành từ tháng 3/2022. Sản lượng bình quân trong năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến, tăng lên bình quân 28,4 hành khách/chuyến trong 9 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Công ty VinBus báo lỗ 16,1 tỷ đồng trong năm 2022, tiếp tục lỗ 12,5 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023.

Công ty VinBus nêu lý do là vì tỷ lệ trợ giá 44,1% cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp. Mức này được cho là chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỷ lệ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên).

Về giải pháp, Công ty VinBus đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%, bằng tỷ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe buýt năm 2023. Nếu tỷ lệ trợ giá như hiện tại không được điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện thì Công ty VinBus xin dừng hoạt động của tuyến D4 cuối năm 2023 và không thể mở tiếp được các tuyến các tuyến còn lại.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP.HCM đang được đặt hàng với đơn giá của dòng xe khí nén thiên nhiên (CNG), với tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%. Sau hơn 1 năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên vẫn chưa có đơn giá riêng.

Với mức trợ giá trên, doanh nghiệp phải đảm bảo 55,9% chi phí còn lại, tương đương 392.000 đồng, tương ứng phải đạt 71 hành khách/chuyến. Trong khi đó, tuyến xe buýt điện D4 chỉ đạt trung bình 22,5 hành khách/chuyến, đạt 31,8% so với sản lượng. Như vậy, tính trung bình tuyến buýt điện D4 đang bị lỗ 240.000 đồng/chuyến.

Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP nâng tỷ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng cho xe buýt điện lên 64,8%, loại xe CNG nhóm 4-CNG2 (chi phí khoảng 24,224 đồng/km). Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết 31/12/2025.

Nguyễn Minh