Trước những thách thức liên quan đến an ninh hàng hải, Hải Quân Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau.

canh sat bien vn va nhat ban tang cuong hop tac truoc thach thuc tu trung quoc
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đón tiếp Cảnh sát biển Việt Nam tại Vùng 5. (Ảnh: canhsatbien.vn)

Truyền thông Nhà nước đưa tin ngày 3/10, tàu CSB 8004 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Shinko tại thành phố Kobe để bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản.

Đây là lần thứ hai một tàu cảnh sát biển của Việt Nam tới thăm Nhật Bản, sau chuyến thăm của tàu CSB 8002 hồi năm 2019.

Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam, chuyến thăm này diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phát biểu trong lễ đón phái đoàn cảnh sát biển Việt Nam, ông Hattori – Tư lệnh Vùng 5, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho rằng sự kiện này giúp tăng cường hợp tác giữa lực lượng chấp pháp hàng hải của hai nước, và qua đó, giúp hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Đáp lại, Đại tá Lê Thanh Hải – Phó tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 của Việt Nam nhận định đây là cơ hội để hai nước trao đổi kinh nghiệm, và phối hợp trong việc đối phó với các “thách thức an ninh” cả truyền thống lẫn phi truyền thống.

Từ phát biểu của đại diện lực lượng cảnh sát biển hai nước thì có thể thấy vấn đề tự do và an ninh hàng hải được đôi bên đặt lên hàng đầu.

Trên thực tế, cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến an ninh hàng hải, cụ thể là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực biển, đảo, và thực thể trên biển. Trong đó, đối tượng chung của cả hai quốc gia trong vấn đề này là Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản đối diện với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku ở khu vực biển Hoa Đông, thì ở trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Rõ ràng trước mối đe doạ chung từ Trung Quốc thì Việt Nam và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn, và theo giới quan sát thì Việt Nam sẽ là bên được lợi khi thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản.

Nói với Tạp chí điện tử Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Châu Á, Châu Phi, Bộ Công thương cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đã và đang được hỗ trợ rất tích cực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam.

Hồi năm 2020, chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định vay vốn ODA từ Nhật Bản để mua 6 tàu tuần tra do nước này đóng, tổng giá trị của hợp đồng lên đến 348,2 triệu USD.

Khánh Vy (t/h)