Sau cú đạp vào xe bất thành, CSGT của đội Bàn Cờ, Phòng CSGT TP.HCM đạp vào mạn sườn đối phương khiến người này loạng choạng, xô đổ một xe khác trên đường.

csgt dap dau xe may tren duong
CSGT của đội Bàn Cờ, Phòng CSGT TP.HCM đạp vào người có dấu hiệu vi phạm giao thông tại quận 10, TP.HCM. (Ảnh chụp màn hình video/Lục Vân Tiên/Facebook)

Một nam thanh niên lái xe máy chạy trên vỉa hè đường 3/2 (quận 10, TP.HCM) rồi xuống lòng đường. Cùng lúc, một CSGT thuộc đội CSGT Bàn Cờ lái môtô đặc chủng từ phía sau chạy tới tiếp cận, đạp vào đầu xe máy.

Người lái xe máy loạng choạng, tiếp tục rồ ga chạy thì bị cảnh sát đuổi theo đạp vào mạn sườn. Bị đạp mạnh vào người, nam thanh niên loạng choạng rồi xô đổ xe vào xe máy phía trước, cả hai xe cùng mất lái, dừng lại. Video 15 giây do người đi đường ghi lại được đăng tải trên mạng xã hội ngày 14/12 kèm theo băn khoăn về việc “lực lượng CSGT có quyền đạp xe của người vi phạm”.

Theo Vnexpress, lãnh đạo đội CSGT Bàn Cờ (Phòng CSGT TP.HCM) xác nhận CSGT có hành vi đạp vào người đi xe máy là thuộc đội này. Người bị đạp vào có dấu hiệu vi phạm giao thông, CSGT đã ra hiệu dừng xe nhưng người này không chấp hành. CSGT khi truy đuổi có “quơ chân khiến tài xế bị ngã”.

Vị này cho biết hiện đơn vị đã chỉ đạo đội CSGT Bàn Cờ xác minh, sớm báo cáo sự việc.

Sự việc CSGT đạp vào người đi xe máy trong video do người dân phản ánh. (Nguồn: dẫn qua Lục Vân Tiên/Facebook)

Theo tài khoản L.Đ: “Người vi phạm hay là cướp, không phải ai cũng là công dân tốt”. 

Tài khoản V.Q.D nhận định: “Không biết cách tác nghiệp này có đúng quy trình, quy định, nghiệp vụ của ngành công an hay không nhưng thấy cách tác nghiệp này rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người đi xe máy, người tham gia giao thông khác và có thể của chính CSGT. 

Nếu người đi xe máy có vi phạm về giao thông cũng chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải hành vi phạm tội, do đó có cần phải tác nghiệp một cách nguy hiểm, có nguy cơ, rủi ro đẫn đến gây nguy hiểm cho thân thể, sức khoẻ, thậm chí xui xẻo, có thể dẫn đến tử vong (do ngã xe, va chạm với xe khác, ngã đập đầu xuống đường, đập đầu vào xe khã, hoặc xe ô tô cán.v.v…

Nếu không may sự cố liên quan tính mạng con người xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?? Mong thay có cách tác nghiệp chuyên nghiệp, an toàn hơn.”

Nghị định 208/2013/NĐ-CP Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ xác nhận cảnh sát được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ… để trấn áp, điều kiện là “cần thiết, cấp bách”, hoặc đối phương có sử dụng vũ khí.

Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.” – Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP.

Nghị định trên không giải thích cụ thể về trường hợp “cần thiết, cấp bách”.

Tháng 2/2021, một đại úy CSGT đội Bến Thành (Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM) khi tuần tra trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 đã đạp mạnh vào xe máy của một người đi trên đường, sau tiếng tri hô cướp, khiến người này ngã xuống đường. Trả lời ý kiến dư luận cho rằng hành vi trên là trái quy định, lãnh đạo Phòng CSGT TP.HCM giải thích hành động trên là dùng “võ ngành” để khống chế người bị tình nghi. Khi xác định người bị đạp ngã không phải cướp, nam cảnh sát đã đỡ người này vào lề đường.

Nguyễn Sơn