Việc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho là lãng phí, chưa phù hợp…

dbqh bat xe may lap camera hanh trinh la lang phi
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. (Ảnh: quochoi.vn)

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe.

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho rằng quy định trên chưa phù hợp với thực tế trong khi phạm vi tác động rộng.

Theo bà Sang, đến tháng 6, Việt Nam có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. “Nếu như dự thảo Luật được thông qua, sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình, khó bảo đảm tính khả thi”.

Bà Sang cho biết nhiều quốc gia trên thế giới, người dân không cần lắp đặt giám sát hành trình để chứng minh sự trong sạch. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải chứng minh chủ phương tiện có vi phạm thì mới được xử phạt.

Mặt khác, “việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân, liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”, bà Sang nói.

Hơn nữa, quy định bắt buộc trên khó khả thi bởi số lượng xe máy là quá lớn, khó quản lý giám sát, trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới…

“Việc mua được xe máy đã là khó khăn, giờ phải “cõng” thêm chi phí lắp giám sát hành trình cần xem xét lại. Trong khi, họ chỉ sử dụng phương tiện đi làm việc, đi nương, đi rẫy”, bà Sang cho hay.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng việc gắn thiết bị giám sát hành trình với phương tiện kinh doanh vận tải rất cần thiết. Dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình giúp cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm của lái xe, của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, dữ liệu khi chuyển về Trung tâm giám sát của cơ quan chức năng cũng phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông; đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe.

Tuy nhiên, bà Phúc có cùng quan điểm với bà Sang, cho rằng đối tượng áp dụng còn khá rộng. Dự thảo quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thể hiểu là tất cả các loại xe bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng. Bà Phúc đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất.

Nghị định 47/2022 sửa đổi Nghị định 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định xe kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình có camera. Camera được lắp đặt phải có chức năng ghi, lưu trữ hình ảnh; hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ về đơn vị kinh doanh vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Dữ liệu phải được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất; không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.

Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định xe máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Dự án Luật này dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Kim Long