Nếu đề xuất được thông qua, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh trái tuyến cấp tuyến tỉnh sẽ được chi trả khi khám chữa bệnh ngoại trú. Một điểm thay đổi nữa là dù khám đúng tuyến, một số danh mục sẽ không chi trả BHYT.

vien phi scaled
Khu vực thanh toán viện phí tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), tháng 1/2023. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, bộ này đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế và điều chỉnh tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Hiện, có 3 cấp chuyên môn khám chữa bệnh BHYT là ban đầu (ngoại trú, phòng khám đa khoa có khu vực giường bệnh), cơ bản (bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh hạng 2 và hạng 1 không được phân loại tuyến cuối), chuyên sâu (bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh được phân loại tuyến cuối).

Trường hợp người dân khám chữa bệnh trái tuyến cấp cơ bản, Bộ Y tế đề xuất hai phương án.

Phương án 1, người tham gia BHYT được chi trả 60% chi phí nội trú và 40% chi phí ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

Phương án 2, giữ nguyên theo quy định hiện hành: thanh toán BHYT 100% cho chi phí điều trị nội trú và không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không đúng quy định về trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT vẫn được thanh toán BHYT 100% đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở thuộc cấp khám chữa bệnh ban đầu, phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh, trung tâm y tế huyện, quận…

Người bệnh đã được chẩn đoán mắc một số bệnh mạn tính được chuyển về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp cao hơn, cũng được thanh toán BHYT 100% chi phí khám chữa bệnh.

Đề xuất này được kỳ vọng cải thiện phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của chính sách “thông tuyến” khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, hiện người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên, trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến, hoặc một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên. Từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và gây nên thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.

Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí làm tăng số lượt khám chữa bệnh ở tuyến trên, giảm số lượt khám và điều trị tại trạm y tế xã.

Ngoài ra, Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhưng không đề cập đến các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác như trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an…

Tăng chi để tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn khi bệnh thường nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm chi phí ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khoẻ, xã hội. Theo đó, Nhà nước sẽ được lợi tối đa về tổng thể, Bộ Y tế nhận định.

Người dân khi được phát hiện và điều trị sớm giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính nặng, việc thanh toán bảo hiểm y tế cho chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế do người bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bị suy giảm khả năng lao động trong tương lai. Số tiền giảm bớt dự kiến là: 10% thu nhập suốt đời của một người và tránh giảm ít nhất 8% tăng trưởng kinh tế toàn xã hội.

Trẻ sinh non, nhẹ cân dùng sữa mẹ hiến tặng, thanh trùng giúp giảm nguy cơ hoại tử ruột, nhanh phục hồi, giảm chi phí dịch truyền, kháng sinh…

Theo tính toán, việc tăng chi BHYT góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi từ 43% của hiện tại xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Bổ sung danh mục không chi trả BHYT

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất danh mục điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp người dưới 18 tuổi sẽ được chi trả BHYT.

Trước đó, quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất không chi trả BHYT cho việc sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm mắt giả, răng giả, kính mắt, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Trước đó, danh mục không chi trả bao gồm sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng không được BHYT chi trả.

Như vậy, người tham gia BHYT chỉ được chi trả vật tư y tế là chân tay giả, máy trợ thính.

Bộ Y tế cũng giữ nguyên các trường hợp BHYT không chi trả bao gồm: điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng; khám sức khỏe; xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác; giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Sơn